Sau 6 năm áp dụng quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra dự thảo thông tư mới với một số thay đổi nhằm phù hợp với thực tế các trường nghề hiện nay.
Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra dự thảo thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cho các trường nghề gồm trường CĐ, trung cấp, và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thay thế cho Thông tư số 15 năm 2017.
Tại đây, phần lớn các tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo và chương trình đào tạo vẫn được kế thừa từ Thông tư số 15, chỉ được sắp xếp, điều chỉnh lại ở một số điểm để phù hợp với thực tế và tăng yêu cầu để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng. MỸ QUYÊN
Cụ thể, ở quy định cũ, có 9 tiêu chí kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì dự thảo thông tư mới đã bỏ tiêu chí về "quản lý tài chính", còn lại 8 tiêu chí gồm: sứ mạng mục tiêu và quản lý (5 tiêu chuẩn); hoạt động đào tạo (8 tiêu chuẩn); nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên (7 tiêu chuẩn); chương trình, giáo trình (7 tiêu chuẩn); cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo (8 tiêu chuẩn); nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (4 tiêu chuẩn), người học và các hoạt động hỗ trợ người học (5 tiêu chuẩn); giám sát, đánh giá chất lượng (6 tiêu chuẩn).
Theo quy định trước đây, điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 1 điểm và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định đạt từ 60% điểm chuẩn trở lên mới đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Dự thảo thông tư mới nâng thành 2 điểm và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định phải lớn hơn tổng điểm đánh giá các tiêu chuẩn của tiêu chí đó 60% thì mới đạt.
Về kiểm định chương trình đào tạo, dự thảo đưa ra 7 tiêu chí, tương đương với 7 tiêu chí của quy định cũ, gồm mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cấu trúc nội dung của chương trình, giáo trình đào tạo; hoạt động đào tạo; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu; giám sát đánh giá chất lượng.
Mức điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu được nâng lên thành 2,5 điểm thay vì 2 điểm như trước.
Chương trình đào tạo được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khi có tổng số điểm đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên và điểm đánh giá của từng tiêu chí lớn hơn 60% tổng điểm đánh giá các tiêu chuẩn của tiêu chí đó.
Ngoài ra, một số tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt yêu cầu (2,5 điểm) chứ không được thấp hơn, như tiêu chuẩn "các phương pháp đào tạo phải phù hợp với nội dung, mục tiêu và chuẩn đầu ra"; "các hoạt động dạy và học phải phát huy tính tích cực, tự giác, khả năng làm việc độc lập, kỹ năng tự học tự nghiên cứu…
Theo ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến nay, có 101 cơ sở giáo dục được kiểm định, trong đó 100 cơ sở đạt. Bên cạnh đó, có 124 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng.
Bình luận (0)