Năm học 2023-2024, nhiều ngôi trường tiểu học mới được TP.HCM đưa vào sử dụng, nối dài thêm niềm vui cho thầy và trò trong năm học mới…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chung niềm vui với thầy trò Trường Tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh) trong ngày khai giảng năm học mới
Thêm nhiều trường tiểu học mới
Đầu năm học 2023-2024, nhằm mục đích trang bị thêm phòng học phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục tiểu học TP.HCM đã khánh thành thêm những ngôi trường tiểu học mới: Tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh); Tiểu học Thái Hưng (Q.8); Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.11); Tiểu học Nguyễn An Khương (Q.12).
Trường Tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư 131 tỷ đồng trên diện tích 11.936,2m2, quy mô 1 trệt 2 lầu, với 30 phòng học, 8 phòng bộ môn, 20 phòng chức năng với trang thiết bị hiện đại. Trường hiện có 2 cán bộ quản lý, 25 giáo viên, năm học 2023-2024 trường tiếp nhận 770 học sinh cho năm học mới.
Được biết, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo huyện Bình Chánh có trên 102.351 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Năm học 2023-2024, huyện Bình Chánh đã xây mới, cải tạo và đưa vào sử dụng 3 công trình trường học gồm: Trường Tiểu học Rạch Già (xã Hưng Long), Trường THCS Trung Sơn, Trường Mầm non Bình Hưng (xã Bình Hưng) với kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhằm đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trong năm học mới.
Trường Tiểu học Thái Hưng (Q.8) mới đây được sửa chữa, cải tạo khối công trình hiện hữu, xây dựng mới khối phòng học 4 tầng gồm 12 phòng học. Hiện nay trường có diện tích 3.686,5m2 với 26 phòng học của các lớp, 6 phòng học bộ môn (2 tin học, 2 tiếng Anh, 1 nghệ thuật, 1 thể chất), 4 phòng hành chính, 6 phòng chức năng.
Với thuận lợi về cơ sở vật chất, năm học 2023-2024 học sinh nhà trường được tạo điều kiện thuận lợi trong học tiếng Anh, tin học, tham gia hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt Đội… Đội ngũ giáo viên cũng được tạo thuận lợi nhiều hơn khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tại Q.11, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn là công trình chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn TP.HCM, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.
Trường có 28 lớp với tổng số 981 học sinh, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Trường có 28 phòng học và các phòng chức năng gồm: phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng truyền thống, phòng giáo viên, phòng Đoàn Đội, phòng tài vụ, văn phòng, phòng thư viện, phòng thiết bị, phòng y tế, phòng đa năng, phòng vi tính, phòng ăn bán trú, thang máy nâng hàng. Mỗi phòng học được trang bị, trang trí lớp học đúng quy định. Bàn ghế trong các phòng học đủ. Sắp xếp theo quy định.
Lãnh đạo Q.12 và sở ban ngành đến chia vui cùng cô trò Trường Tiểu học Nguyễn An Khương (Q.12) trong ngày đầu năm học mới
Năm học 2023-2024 là năm thứ hai Trường Tiểu học Nguyễn An Khương (Q.12) đi vào hoạt động. Nhà trường có diện tích 7.500m2 với 30 phòng học và các phòng chức năng như: 1 phòng thư viện, 1 phòng tin học với 36 máy được kết nối internet, 1 phòng tiếng Anh, 1 phòng thiết bị, 1 phòng nghệ thuật, 1 phòng hội trường, 1 phòng hội đồng, 1 phòng truyền thống, 1 phòng khuyết tật hòa nhập, 1 nhà giáo dục thể chất và 1 nhà thi đấu đa năng.
Trường lớp khang trang, môi trường thân thiện, xanh-sạch-đẹp. Các lớp học thoáng mát. Trường học an toàn với 8 camera bao quát các góc khuất, điểm mù giúp trường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập và vui chơi. 100% học sinh nhà trường học 2 buổi/ngày có bán trú, 100% học sinh nhà trường được học tiếng Anh và tin học, học sinh nhà trường có nền nếp học tập tốt tích cực tham gia các phong trào cấp quận, cấp thành phố và đạt nhiều thành tích cao.
Nhiều trường đạt sĩ số “mơ ước”
Năm học 2023-2024, lần đầu tiên TP.HCM “giảm nhiệt” học sinh đầu cấp bậc tiểu học đã giúp các nhà trường kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Theo thống kê, năm học 2023-2024, TP.HCM có trên 1,7 triệu học sinh ở các cấp học, tăng hơn 35.000 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, số học sinh ở cấp tiểu học lại giảm mạnh, giảm tới 28.165 em. Trong đó, tiểu học công lập giảm 28.721 em.
Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân), năm học 2022-2023, sĩ số học sinh toàn trường lên đến gần 5.300 em, quy mô xấp xỉ 110 lớp – là trường lớn nhất thành phố. Năm học 2023-2024, tổng số học sinh nhà trường là gần 4.800 em. Riêng khối 1 chỉ còn 708 học sinh.
Thầy Võ Phương Bình – Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, sau 8 năm công tác tại trường thì đây là năm đầu tiên sĩ số học sinh lớp 1 của trường giảm đến tỷ lệ “mơ ước” như vậy. Năm nay tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở khối lớp 1 của trường chỉ còn 38 em/lớp, trong khi năm học trước con số này là gần 48 học sinh/lớp.
“Việc giảm mạnh số học sinh lớp 1 năm học mới một phần do quan điểm năm sinh của phụ huynh, cạnh đó do ảnh hưởng sau dịch Covid-19 nhiều phụ huynh chuyển về quê sinh sống. Giảm học sinh đầu cấp giúp nhà trường thuận lợi trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú đối với học sinh học Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, sĩ số học sinh giảm cũng là cơ hội để giảm sĩ số học sinh/lớp ở tất cả các khối lớp trong toàn trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thầy cô giảm áp lực trong công tác” – thầy Võ Phương Bình chia sẻ.
Tương tự, tại Trường Tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp), tổng số lớp học của trường năm học 2023-2024 là 71 lớp với 3.249 học sinh. Năm trước, số học sinh toàn trường là 3.426 với 76 lớp.
Theo nhà trường, việc giảm số học sinh, số lớp học trong toàn trường năm nay đã giúp kéo giảm tỷ lệ học sinh/lớp và tăng được tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Trong đó, sĩ số học sinh lớp 1 năm học mới chỉ còn 44 em/lớp với 100% được học 2 buổi/ngày. Các khối lớp còn lại tỷ lệ học 2 buổi/ngày là 50%, học 6 buổi/tuần bao gồm ngày thứ bảy.
“Số học sinh lớp 5 ra trường là 19 lớp, song số lớp 1 tuyển sinh năm học này chỉ có 15 lớp. Sĩ số mơ ước này giúp thầy cô giảm áp lực đứng lớp, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018” – đại diện Ban Giám hiệu nhà trường chia sẻ.
Đỗ Yến Khương
Bình luận (0)