Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ bùng phát, cùng với khuyến cáo của ngành y tế, các trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện phòng dịch để đảm bảo môi trường học đường an toàn, vì sức khỏe của học sinh.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đà Nẵng) tổ chức khám sức khỏe đầu năm kết hợp tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ cho học sinh
Bệnh đau mắt đỏ tăng đột biến
Những ngày qua, thời tiết giao mùa đã khiến tình trạng bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn TP.Đà Nẵng có dấu hiệu lây lan nhanh và tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay toàn TP ghi nhận khoảng 22.500 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em chiếm tỷ lệ 51,5%. Từ đầu tháng 9 đến nay, số trường hợp đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tăng mạnh, mỗi ngày ghi nhận 130-150 ca, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ 57,5%. Đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, bà Lê Thị Thanh cho biết: “Hai hôm nay mấy bà cháu đều có cảm giác mắt bị ngứa và chảy nước mắt rất khó chịu. Tôi quyết định cho cháu nghỉ học để cùng đi khám. Thăm khám xong, bác sĩ kết luận cả 3 bà cháu đều mắc bệnh đau mắt đỏ. Bác sĩ kê đơn thuốc và dặn dò giữ gìn vệ sinh, nghỉ ngơi để chóng hồi phục; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh”.
Tại Bệnh viện Mắt, chị Thu Trang chia sẻ: “Tôi thường xuyên cập nhật thông tin, biết bệnh đau mắt đỏ vào mùa nên khi phát hiện con có biểu hiện đỏ mắt, tôi đưa con đi khám ngay. Bệnh có biểu hiện ít nghiêm trọng nhưng không kịp thời sẽ để lại di chứng nguy hiểm cho mắt. Tôi cũng cho con nghỉ học, tránh tiếp xúc với mọi người, nhất là bạn bè cùng trang lứa trong xóm để phòng dịch cho cộng đồng”.
Không riêng Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, nhiều bệnh viện và phòng khám tư, bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ khá đông. Số lượng người mua thuốc nhỏ mắt, nhất là nước muối Natri Clorid 0,9% để phòng bệnh tại các quầy thuốc tăng cao, nhiều nơi xuất hiện tình trạng khan hiếm thuốc…
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang – phụ trách Phòng Kế hoạch Bệnh viện Mắt Đà Nẵng – chia sẻ, bệnh đau mắt đỏ năm nay lây lan rất nhanh, biến chứng khá nặng, gặp rất nhiều ở trẻ em dưới 15 tuổi. Chủng viêm kết mạc năm nay theo một số phân tích, nghiên cứu cho thấy có nhiều loại virus gây ra, trong đó chủng Entero virus chiếm đa số. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám và kê đơn của bác sĩ nhãn khoa, tránh xảy ra biến chứng nặng nề và không đáng có. Người dân, các bậc phụ huynh khi phát hiện con em có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn đúng liều lượng để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt.
Trường học nêu cao tinh thần phòng dịch
Để hạn chế bệnh đau mắt đỏ lây lan trong trường học, nhiều trường trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (Q.Hải Châu) – cho biết: “Từ giữa tháng 8-2023, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, trong đó có phổ biến các biện pháp phòng tránh dịch bệnh theo mùa, bệnh về mắt cho toàn thể nhân viên, giáo viên… Nhà trường cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên y tế học đường theo sát tình hình học sinh đến lớp, tuyên truyền trên các nhóm Zalo phụ huynh về phòng chống bệnh đau mắt đỏ, xử lý tình huống khi có học sinh bị bệnh đau mắt đỏ. Để kiểm soát dịch bệnh, mỗi ngày trẻ đến trường đều được giáo viên hướng dẫn sát khuẩn, rửa tay giữ gìn vệ sinh. Không dùng chung đồ dùng cá nhân của trẻ. 100% cán bộ giáo viên nhà trường chung tay phòng bệnh, nhỏ nước muối ngừa bệnh đau mắt đỏ mỗi ngày”.
Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT TP phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường, thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị; thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ, không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cập nhật các phác đồ điều trị, tích cực trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. |
Tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.Hải Châu), cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin, từ sau lễ khai giảng năm học mới đến nay có khoảng 40 học sinh của nhà trường bị bệnh đau mắt đỏ. Đầu năm, nhà trường đã kết hợp khám sức khỏe cho học sinh. Nhân viên y tế và giáo viên chủ nhiệm cho các em học sinh xem áp phích, video về cách vệ sinh mắt, cách phòng bệnh đau mắt đỏ. Nhà trường cũng thu âm cách phòng bệnh đau mắt đỏ, triệu chứng, cách điều trị để phát vào đầu giờ, giờ ra chơi và giờ ra về. Khi phát hiện học sinh bị đỏ mắt, giáo viên đưa xuống phòng y tế, nhân viên y tế sẽ vệ sinh mắt cho trẻ và điện thoại phụ huynh đón về. Cùng với đó hướng dẫn phụ huynh đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Giáo viên chủ nhiệm giữ liên lạc để trao đổi với phụ huynh nhằm hỗ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh. Đa số các em học sinh bị đau mắt đỏ nhờ được phát hiện, điều trị kịp thời nên chỉ sau 2-3 ngày đã bình phục và trở lại trường”.
Phan Lệ
Bình luận (0)