Thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế là hai vấn đề nổi bật được lãnh đạo TP.HCM khuyến khích đẩy mạnh thực hiện ở các trường ĐH. Đồng thời, lãnh đạo TP cũng yêu cầu Hội đồng Hiệu trưởng TP vào cuối năm nay có những bước triển khai song song với đào tạo các ngành trọng điểm…
Ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị
Cuối tuần qua, hội nghị chuyên đề “Giáo dục ĐH và một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU trên địa bàn TP.HCM” được tổ chức tại TP.HCM.
TP.HCM thành trung tâm đào tạo thu hút sinh viên quốc tế
Tại TP.HCM, việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được thực hiện thông qua “Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2035 và ĐH chia sẻ” thuộc Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM. Cụ thể, 8 ngành này bao gồm: Công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.
Đề án tổng thể gồm 9 đề án thành phần, được TP đặt hàng các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì thiết kế, xây dựng; trong đó có 4 trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM là ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ thông tin cùng các trường khác như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sài Gòn.
Liên quan đến đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành này, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – đánh giá về cơ bản, các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đã hoàn thành. Chỉ có 2 ngành do vướng Thông tư 02, 03 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học – Công nghệ nên bị chậm một chút. Tuy nhiên, ông Đức kỳ vọng hai ngành này sẽ được tháo gỡ khó khăn sau kỳ họp HĐND để cùng về đích đúng kế hoạch.
Ông Đức nhấn mạnh, muốn TP.HCM trở thành một đô thị có khả năng thu hút đào tạo sinh viên quốc tế thì phải có các cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng, có những chương trình tiếp nhận được sinh viên quốc tế. Đồng thời, cần nhìn xa hơn, chương trình này có nhiều bước, trong đó bước đầu tiên là thu hút được sinh viên quốc tế. Bước thứ hai là cần giữ được một phần sinh viên quốc tế ở lại phục vụ cho sự phát triển của đất nước ta. Bước thứ 3 là trực tiếp thu hút được các chuyên gia trình độ cao.
Theo ông, những việc này có thể bắt đầu làm được ngay mà không cần phải chờ xây dựng đề án, đề tài rồi xin cấp ngân sách thực hiện. Ông Đức đề nghị Hội đồng Hiệu trưởng TP thành lập một đội để xây dựng kế hoạch tận dụng luôn những gì đã và đang làm, những đề án và chính sách đang có để lên một kế hoạch nhằm xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm đào tạo và thu hút sinh viên quốc tế.
“Sinh viên quốc tế phải được đào tạo bằng ngôn ngữ phù hợp, có chương trình được mọi người công nhận, đây là hai yếu tố tối thiểu cần phải có. Những trường nào đã sẵn sàng có thể xung phong vào cuộc ngay. Những trường chưa sẵn sàng cũng cần có kế hoạch chuẩn bị. Muốn thu hút được đông đảo thì cần có nhiều trường tham gia và mỗi trường cần khẳng định được vị thế, sở trường” – ông Đức nói.
“Muốn TP.HCM trở thành một đô thị có khả năng thu hút đào tạo sinh viên quốc tế thì phải có các cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng, có những chương trình tiếp nhận được sinh viên quốc tế”, ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM). |
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc thêm một lần nữa việc cần tận dụng ngay nội lực các cơ sở giáo dục đào tạo của TP.HCM, đồng thời đề nghị các chủ tịch hội đồng ngành, nhóm ngành cùng hợp sức. Ông Đức mong kế hoạch này sẽ được xây dựng và trình tại kỳ họp của Hội đồng Hiệu trưởng TP vào cuối năm nay để có những bước triển khai song song với đào tạo các ngành trọng điểm. Bởi vì về nguyên tắc, 8 ngành này phải được triển khai và phải thu hút được sinh viên nước ngoài.
Khuyến khích các trường ĐH lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – cũng cho hay rất sốt ruột với hai đề án: Đào tạo nhân lực 8 ngành có trình độ quốc tế và xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và quốc tế. Cho rằng vấn đề này đang rất thúc bách nên ông Mãi đề nghị cần thực hiện song song; bên cạnh hoàn thiện các nhiệm vụ nghiên cứu, cần dự thảo ngay kế hoạch thực hiện hoặc chọn ra một số việc có thể làm.
Ông Mãi yêu cầu thúc đẩy hơn nữa những hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời khuyến khích các trường ĐH thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển). Đây có thể là trung tâm khởi nghiệp của trường hoặc của TP đặt tại trường. “Hiện Bộ Khoa học – Công nghệ đang đặt vấn đề thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại TP. Nếu trường ĐH nào đảm nhận được nhiệm vụ này thì có thể đặt trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại trường đó. TP.HCM ủng hộ điều này và sẽ đồng hành cùng các trường để thực hiện được vai trò của trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia” – ông Mãi khẳng định.
Đồng ý với đề xuất chọn 5-6 trường ĐH để tập trung xây dựng điểm ĐH khởi nghiệp, ông Mãi cho rằng, đây là việc rất hay, nên chọn một số trường công lập và một số trường ngoài công lập đầy đủ tiềm năng để tiên phong làm trước như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành… Quá trình hình thành trung tâm R&D, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo ông Mãi, có thể nghiên cứu mô hình trung tâm xuất sắc để sau này liên kết với các chính sách của TP.
“Ngày 19-9, HĐND TP.HCM họp, thông qua chính sách về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kể cả về các mức chi cho các nhiệm vụ khoa học và cũng sẽ thông qua kích cầu, vì chương trình kích cầu vừa qua, lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng được thụ hưởng rất nhiều” – ông Mãi nói.
Mê Tâm
Bình luận (0)