Bây giờ thời buổi 4.0 mà nói chuyện thư viết tay thì đúng là chuyện cổ tích! Nhưng “cổ tích” ấy có thật với các thế hệ thời chúng tôi từ những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ 20.
Theo tác giả, một thời viết thư tay đã rèn luyện cho bản thân cách viết ngắn gọn mà sâu sắc; cách trình bày đẹp cũng như nhiều lợi ích phát triển tư duy, cảm nhận… (ảnh minh họa). Ảnh: TL
Ngày ấy, mọi phương tiện truyền thông, liên lạc không được như hiện nay. Mối liên lạc giữa mọi người với nhau đều thông qua thư từ viết bằng tay. Do đó, các cung bậc cảm xúc đều được thể hiện qua từng nét chữ đậm nhạt, qua từng cách trình bày lá thư. Có khi thư viết dài mà ý ngắn và có khi thư viết ngắn mà ý lại dài. Chẳng thế mà một người chiến sĩ ở chiến trường nhận được thư người yêu đã viết: “Có gì đâu một bức thư/ Giấy trắng như giấy, mực như mực thường/ Vẫn chưa một chữ rằng thương/ Mà sao tôi đọc đêm trường sang mai/ Không nhớ nữa, ngắn hay dài/ Hình như tôi đọc cả ngoài trang thư”.
Năm 1974, tôi nhập ngũ và huấn luyện rất gian khổ nơi thao trường sáu tháng trước khi đi chiến trường. Mỗi người được phát 20 tờ giấy trắng (màu hơi xỉn, vì giấy lúc bấy giờ hiếm lắm) và 6 con tem quân đội. Có nghĩa là một tháng, mình được gửi thư về nhà một lần. Nhưng tuổi vừa mới lớn, biết bao tình cảm với bạn bè cùng lớp, cùng trường nên nhiều khi viết thư “vượt mức quy định”. Tôi có niềm đam mê viết thư vì lúc đó tôi tha hồ bày tỏ lòng mình trên trang giấy. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu nỗi thầm thương trộm nhớ đều được bộc lộ một cách… tự nhiên. Nếu nói chuyện trực tiếp thì không dám nhưng qua những lời trong thư thì đều có thể nói được. Đó là thư cho thầy cô từng dạy mình; thư cho những người bạn còn ở quê, đợi ngày thi đại học (không trúng tuyển đi bộ đội vì thấp bé, nhẹ cân). Đó là thư cho những người bạn gái, dù mới chỉ quen sơ sơ thôi nhưng mình có cảm tình… Viết thư rồi mong mỏi đêm ngày chờ nhận được thư phản hồi vào cuối tháng. Có gì sung sướng bằng khi anh “quân bưu” gọi to tên mình lên nhận thư. Đợi sau buổi cơm chiều xong, có gì thú vị hơn ngồi trên đồi thủ thỉ cùng trang thư bè bạn, gia đình… Cách trình bày một bức thư cũng nói lên phần nào tâm tính, kỹ năng sống của người viết. Dù giấy hiếm vẫn nên chừa lề thư; câu văn viết gọn gàng, diễn đạt trôi chảy, sáng sủa… Đó cũng là điều kiện rèn luyện cách viết, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt ý của mình. Từ đó, mình viết ngắn mà sâu hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn qua từng trang thư nối tiếp. Một bức thư cũng có các phần mở đầu, nội dung và phần kết thúc. Hồi ấy trong chương trình học không có bài về cách viết, trình bày một bức thư nhưng tôi tự học được qua những lá thư của anh, chị từ phương xa gửi về nhà. Đặc biệt, từ nhỏ tôi đã đọc nhiều lần cuốn “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, một cuốn sách tập hợp hàng trăm lá thư từ miền Nam gửi cho chồng, con, cho ba mẹ tập kết ra Bắc.
Một thời thư viết tay đã rèn luyện cho tôi cách viết ngắn gọn mà sâu sắc; cách trình bày cũng như nhiều lợi ích phát triển tư duy, suy nghĩ, cảm nhận… Bây giờ chắc vẫn còn thư viết tay nhưng rất ít vì các phương tiện thông tin bùng nổ; cuộc sống gấp gáp nên chỉ cần dòng tin nhắn là đủ! Chẳng còn mấy ai ngồi run run mở bao thư, nhấm nháp từng dòng, từng chữ như của thời “cổ tích”.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)