Kinh tế – xã hội TP.HCM quý 2, 3/2023 được đánh giá khởi sắc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm là 7,5% thì từ nay đến cuối năm cần sự nỗ lực rất lớn, đặc biệt đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, giải ngân nhanh các khoản chi cho phát triển TP… Đây là những vấn đề được nêu ra tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4-2023 do UBND TP.HCM tổ chức.
Kích cầu tiêu dùng trong nước là một giải pháp để TP.HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng năm
Kỳ vọng vào nguồn thu từ doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh tế – xã hội TP quý 2, 3 có khởi sắc tuy nhiên để hoàn thành kế hoạch trong năm thì áp lực quý 4 rất lớn. Nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5% thì quý 4 phải tăng trưởng trên 15%, đây là một sự nỗ lực rất lớn.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay kịch bản đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là một thách thức lớn trong các tháng cuối năm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm, theo ông Hoàng, tiêu dùng nội địa đang là một yếu tố quyết định lớn và là một điểm sáng. Vừa qua, TP có các chương trình khuyến mãi tập trung trên địa bàn thu hút sự tham gia của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài TP. TP nên có kế hoạch dài hơi và cần cả sự tham gia của các cơ quan Nhà nước.
Ông Lê Duy Minh – Giám đốc Sở Tài chính TP – cho rằng phải cố gắng giải ngân nhanh các khoản chi cho phát triển góp phần vào tăng trưởng GRDP của TP, trong đó có chi cho đầu tư công thì mới đạt được chỉ tiêu đến cuối năm là 95%.
Theo ông Minh, 9 tháng đầu năm, TP thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, lệ phí, trong đó miễn thuế 8.618 tỷ đồng và 10.968 tỷ đồng của các chính sách gia hạn. Đây là những con số tác động giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phát triển.
“Nguồn thu từ doanh nghiệp là rất lớn, đây là sự kỳ vọng từ nay đến cuối năm. Mặc dù chiều hướng quý 2, 3 giảm tuy nhiên với các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong năm 2023 thì doanh nghiệp dần lấy lại mức tăng trưởng”, ông Minh nói.
Qua khảo sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP – cho biết, doanh nghiệp đang kỳ vọng thông qua kích cầu. Các hoạt động kích cầu cần có sự đồng bộ hơn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó cần mạnh dạn khơi thông nhanh nguồn lực đất đai vì không có dự án sản xuất nào mà không đụng đến đất.
Ông Hòa góp ý: “Sớm xác định giá đất, tránh tình trạng tạm tính giá đất. Nếu xác định được giá đất thì doanh nghiệp mạnh dạn đưa vào đầu tư. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 98 cần nhanh, đồng bộ các cơ chế chính sách liên quan”.
Ông Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – nhấn mạnh đến triển khai Nghị quyết 98 theo kế hoạch, trong đó cần có quyết sách mang tính đột phá từ cấp lãnh đạo để thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành.
Cần phục hồi niềm tin doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đầu tư, hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời…
Tập trung đưa các nghị quyết vào cuộc sống
Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình hiện nay thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chưa đoán trước được. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, bấp bênh… Trong khi đó TP.HCM có độ mở lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng nên có những tác động trực diện. Tuy nhiên, từ nhận định tương đối sát với tình hình cộng với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, TP đã kịp thời đề ra, chọn giải pháp trọng tâm để thực hiện quyết liệt từng chỉ đạo, lãnh đạo điều hành, thúc đẩy các nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, bám sát chủ đề năm; tổng kết một số nghị quyết; kiến nghị ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tập trung đưa các nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, tạo ra những nét mới trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo ông Nên, tăng trưởng quý 3 ước đạt 6,71%, trong khi quý 2 là 5,87%, tính chung đến giờ này 4,5% là kết quả đáng mừng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, GD-ĐT, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững có kết quả tốt. Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật sôi động hơn, sức lôi cuốn rộng hơn, lan tỏa sâu hơn. Một số hoạt động thực chất, ý nghĩa hơn, đúng nhiệm vụ đặt ra và đáp ứng tinh thần của người dân, tạo ra được giá trị mới. Hệ thống quản trị thực thi công vụ cũng đạt một bước tiến rất đáng trân trọng.
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm, ông Phạm Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM – cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng TP.HCM vẫn làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, GRDP quý 3-2023 ước tăng khoảng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán năm và bằng 93,65% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,1% (37.224 doanh nghiệp). Ngoài ra, trong 21 chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch. |
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế TP đến giờ này chưa đạt như mục tiêu. Trong đó, giải ngân đầu tư công gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, thu ngân sách giảm. Ông đề nghị từng lĩnh vực phải có giải pháp trọng tâm để xử lý vấn đề nhưng không nóng vội. Trên tinh thần đó phải rút kinh nghiệm các hạn chế và tồn tại, phải tự xem lại mình. 3 tháng còn lại của năm 2023 cần tập trung giải ngân đầu tư công nhưng phải đi theo quy trình, lộ trình của từng công trình, dự án.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND TP tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch. Đặc biệt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp với quan điểm tháo gỡ, chia sẻ, khơi thông dòng vốn, phát huy hiệu quả cho từng nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai…
Ông Nên đề nghị các đơn vị quan tâm an sinh xã hội, đời sống người dân, việc làm cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung; đảm bảo quốc phòng an ninh tăng cường quốc đối ngoại; chuẩn bị kế hoạch năm 2024…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)