Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người thầy đang là tâm điểm để thúc đẩy sự đổi mới. Phẩm chất, năng lực của học trò muốn có được trước hết cần sự đổi mới và nâng cao phẩm chất, năng lực của người thầy.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng nói điều này trong khuôn khổ lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Hà Nội năm 2023, được tổ chức ngày 15-11.
Tặng bằng khen cho 200 nhà giáo tiêu biểu
Cùng với Hà Nội, cả nước có 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen năm học 2022-2023 vì có những thành tích nổi trội, xuất sắc trong quản lý, giảng dạy. Các nhà giáo tiêu biểu thuộc những khối giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX và giáo dục chuyên biệt đến ĐH.
Trong đó, có những nhà giáo đi đầu trong triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ ở dạy học; xây dựng các sáng kiến góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ; xây dựng ứng dụng điện tử sổ tay đến trường hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; có sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy; có những công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước…
Ghi nhận những công lao, đóng góp của tất cả các thầy cô, Bộ trưởng nhìn nhận, mỗi một thầy cô làm tốt phần việc của mình là đã đóng góp một phần cho sự nghiệp giáo dục. Bộ trưởng đánh giá, hiện nay trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người thầy đang là tâm điểm để thúc đẩy sự đổi mới. Bộ trưởng cũng cho hay, chúng ta đang dần có sự chuyển đổi mạnh mẽ mô hình từ người thầy thiên về trang bị và kiểm tra, đánh giá kiến thức sang một mô hình nhà giáo mới. Đó là những nhà giáo với kiến thức nền tảng vững chắc; biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng học trò để các em không ngừng thích nghi và tự tích lũy kiến thức không giới hạn. Chính vì vậy, cần đổi mới phương pháp lẫn tâm thế nhà giáo. Phẩm chất, năng lực của học trò muốn có được trước hết cần sự đổi mới và nâng cao phẩm chất, năng lực của người thầy. Năng lực, phẩm chất mới của học trò sẽ không có được nếu năng lực, phẩm chất của nhà giáo không đổi mới.
Không tự nhiên mà xã hội tôn kính nhà giáo hơn…
Theo Bộ trưởng, hiện nay trong quá trình đổi mới, những người có năng lực tốt, đi sâu vào công việc sẽ thành công trước. Những người này cần hỗ trợ đồng nghiệp, hỗ trợ nhà trường; cần lan tỏa điều mình đã trải nghiệm, tâm đắc, đã đổi mới cũng như những điều tích cực, điều ấm áp của giáo dục.
“Phẩm chất, năng lực của học trò muốn có được trước hết cần sự đổi mới và nâng cao phẩm chất, năng lực của người thầy. Năng lực, phẩm chất mới của học trò sẽ không có được nếu năng lực, phẩm chất của nhà giáo không đổi mới” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. |
Nhấn mạnh yêu cầu củng cố hình ảnh nhà giáo, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, đội ngũ nhà giáo có trí tuệ, có lòng yêu nghề, cần từng bước làm cho nghề ngày càng cao quý, càng được tôn vinh. Bởi không tự nhiên mà xã hội lại thay đổi và tôn kính nhà giáo hơn; nghề giáo không tự tôn cao hơn nếu nhà giáo không tự tôn cao chính mình. “Với trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã, đang và sẽ không ngừng có những kiến nghị chính sách, bền bỉ thuyết phục để Đảng, Chính phủ, Nhà nước thấu hiểu hơn. Và trên thực tế cũng đang dần có thêm những chính sách để đời sống của nhà giáo được tốt hơn” – Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành giáo dục một lần nữa nhấn mạnh đến 3 chữ “an” đối với trường học, đó là học trò đến trường phải được an toàn, thầy cô giáo làm việc tại trường phải được an lòng, phụ huynh đem con đến trường phải được an tâm.
Thục Trân
Bình luận (0)