Ai cũng biết bài ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Để hiểu bài ca dao này trước hết cần xác định đó là tâm sự của ai. Có 2 cách hiểu: 1) Là lời của ai đó giới thiệu và ngợi ca sen; 2) Là lời của chính sen tự giới thiệu về mình, giống như bài thơ nhại: “Trong nhà ai đẹp bằng em/ Mắt xanh môi đỏ lại chen răng vàng/ Răng vàng môi đỏ mắt xanh/ Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng”. Từ đó có 2 cách hiểu gần như ngược nhau dù lời ca không có gì thay đổi.
Cách hiểu phổ quát, từ lâu rồi người ta đều nghĩ bài ca nhằm đề cao vẻ đẹp của hoa sen. Sen đẹp từ ngoài vào trong “lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”; đẹp từ trong ra ngoài “Nhị vàng bông trắng lá xanh”. Những sắc màu xanh, trắng, vàng; rồi lại vàng, trắng, xanh… lặp đi lặp lại đảo chiều như khoe hết tất cả vẻ đẹp màu sắc hài hòa của bông sen… Theo cách nhìn thứ nhất, người ta vẫn hiểu đây là dân gian muốn mượn sen để ngợi ca những phẩm cách con người: trong trắng, sạch sẽ, nhất mực trinh nguyên dù sống giữa chốn bùn lầy nước đọng; giữa một hoàn cảnh rất nhiều “ma” bùn mà vẫn ngát hương “người”. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhưng có người nghĩ khác. Đồng ý là sen thật đẹp. Nhưng vẻ đẹp ấy sen lấy từ đâu, và trước hết sen sống nhờ đâu? Nếu không phải là từ bùn đất trong đầm? Mọc lên từ bùn lầy, nước đọng; hút chất từ bùn đất vô danh để trở thành mỹ nữ, trong trắng lụa là xinh đẹp… rồi trở lại coi rẻ, kinh thường chính nơi đã nuôi lớn và tạo ra vẻ đẹp của chính mình. Sen giống như cô gái lớn lên từ mái tranh nghèo, từ quê hương bùn đất gian lao khó nhọc… Khoai sắn nuôi cô lớn lên để rồi một khi trở thành mỹ nữ, trong trắng ngọc ngà, cô gái ấy trở lại chê bai nơi mình đã sinh ra, khinh rẻ những gì đã nuôi mình thành xinh đẹp. Nếu hiểu bài ca là lời của chính sen, thì “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là tiếng nói thể hiện rõ sự coi thường, khinh rẻ của sen đối với nơi nuôi dưỡng mình; lời ca mang hàm ý chê bai những người mất gốc.
Tôi không có ý bênh vực cách hiểu nào. Tôi chỉ muốn nêu lên để thấy điều này: một hiện tượng, một sự việc tưởng như không cần tranh luận, nhưng vẫn có thể có nhiều cách nhìn, cách nghĩ khác nhau. Đúng sai, hay dở là khó vô cùng; đừng vội khẳng định hay phủ định người khác. Như người ta vẫn thường nói: Tôi không bao giờ đồng ý nhưng tôi luôn tôn trọng cách hiểu của mỗi người.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)