Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần cẩn trọng khi thay đổi, bổ sung

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chương trình mở được thực hiện với nhiều bộ sách giáo khoa. Không như trước đây, sách giáo khoa hiện nay chỉ là tài liệu giảng dạy cơ bản. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên hoàn toàn có thể thay đổi, bổ sung dữ liệu, hình ảnh, tình huống, câu lệnh… trong sách giáo khoa miễn sao cho phù hợp với mục tiêu yêu cầu cần đạt của bài học và phù hợp với học sinh của lớp. Tuy nhiên, các thầy cô giáo cần hết sức cẩn trọng khi dùng những dữ liệu, hình ảnh, tình huống… do bản thân mình tìm hiểu, sưu tầm, sáng tạo. Trong các tiết dạy thử nghiệm môn đạo đức vừa qua mà tôi được dự, nhiều tình huống đạo đức giáo viên đưa ra, theo tôi là chưa chuẩn, còn nhiều thiếu sót. Trong một nội dung dạy anh em phải biết thương yêu, nhường nhịn, chia sẻ với nhau, cô giáo đã tự đặt ra một tình huống như sau: “Sinh nhật của Nam, mẹ tặng cho Nam 2 món quà: 1 món quà lớn và 1 món quà nhỏ. Nếu em là Nam, em sẽ tặng lại cho em của mình món quà nào?”. Tình huống tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến nhiều điều không hay. Học sinh thắc mắc là tại sao quà sinh nhật của Nam mà lại phải tặng lại cho em của Nam? Đến sinh nhật em của Nam thì mẹ sẽ tặng cho em ấy nhưng không dám nói. Học sinh nhanh nhẹn, lanh lợi thì vô tình tình huống đặt ra đã buộc các em nói dối. Các em sẽ trả lời tặng lại em của mình món quà lớn vì các em ấy nghĩ rằng phải chia lại cho em mình món quà lớn thì mới thể hiện được sự yêu thương, chia sẻ. Tình huống này đã không đạt được mục tiêu của bài học mà còn làm sai lệch về giáo dục đạo đức vì trẻ phải nói dối. Trong một bài dạy có nội dung quan tâm, giúp đỡ em nhỏ, giáo viên cũng tự đặt ra tình huống: “Mẹ và Lan vừa vào hẻm nhà mình thì thấy một em bé hàng xóm té. Lan định đến đỡ em bé dậy nhưng mẹ Lan nói để bé tự đứng dậy. Nếu em là Lan, em quyết định thế nào?”. Tình huống đặt ra đã dẫn đến việc học sinh lúng túng, không biết trả lời sao cho đúng. Đỡ em bé lên là biết giúp đỡ em nhỏ nhưng lại là cãi lời cha mẹ. Vâng lời mẹ, không đỡ em bé dậy thì lại là không biết giúp đỡ em nhỏ. Chưa nói đến, tình huống không rõ ràng dẫn đến việc học sinh nghĩ rằng người mẹ đã sai…

Chính vì thế, theo tôi, các dữ liệu, hình ảnh, tình huống… giáo viên muốn đưa vào bài dạy của mình cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các đồng nghiệp hoặc đưa ra tổ chuyên môn thảo luận, góp ý. Có như thế, bài dạy của các thầy cô mới phong phú, chuẩn xác và hiệu quả.

Lê Phương Nhân Tâm

 

Bình luận (0)