Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM, việc đẩy mạnh đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế được cho là yêu cầu cấp thiết.
Trao đổi ý kiến tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch
Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch” vừa được Trường ĐH Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua. Tại TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn được giao chủ trì xây dựng đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch.
Thiếu hụt nhân lực du lịch chất lượng cao
Trong tham luận, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa (Khoa Sư phạm KHXH, Trường ĐH Sài Gòn) nhận định, ngành du lịch Việt Nam hiện đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Mỗi năm ngành này cần 40 ngàn lao động nhưng lượng cung cấp chỉ được phân nửa; chưa kể nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn.
Riêng TP.HCM, có khoảng 140.350 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm 5% tổng số nguồn nhân lực thành phố. Mặc dù số lượng lao động trong ngành du lịch TP.HCM tăng hằng năm song chất lượng chưa được cải thiện nhiều để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Vào các mùa cao điểm du lịch, TP.HCM thường thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; nhất là ở các vị trí như điều hành tour, nhân viên marketing, hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn, quản lý khu nghỉ dưỡng cao cấp… Nhiều doanh nghiệp phải “nhập khẩu” lao động nước ngoài.
Để phát triển nền du lịch thành phố, đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế là vấn đề được PGS.TS Nguyễn Đức Hòa đặt ra. Thế nhưng theo PGS. Hòa, hiện TP.HCM vẫn đang đối mặt với thách thức trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch có trình độ quốc tế. Hệ thống giáo trình ở các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao, sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công việc nên doanh nghiệp phải đào tạo lại gây lãng phí lớn… Ở khuôn khổ quốc gia, PGS. Hòa đánh giá, các cơ sở đào tạo du lịch theo các cấp độ khác nhau của nước ta chưa có sự thống nhất hệ thống tiêu chuẩn về trình độ chuẩn đầu ra để đạt tới đẳng cấp khu vực và quốc tế. Trong khi đó, theo một nghiên cứu, số sinh viên Việt Nam theo học du lịch – khách sạn bậc ĐH và CĐ ở các nước chỉ chiếm khoảng 5-7% tổng số lượng sinh viên học du lịch tại các cơ sở đào tạo trong nước.
PGS. Hòa đề xuất TP.HCM sớm xây dựng và thực hiện đề án thành lập học viện du lịch hoặc ĐH du lịch đạt chuẩn quốc tế trên địa bàn cũng như học tập mô hình Viện Đào tạo khách sạn Phú Quốc (trung tâm đào tạo đầu tiên Cityland Education hợp tác cùng tập đoàn EHL với chất lượng đào tạo nhân lực du lịch có trình độ quốc tế).
Quốc tế hóa chương trình đào tạo, tăng khả năng ngoại ngữ cho sinh viên
Trong nhiều nhóm giải pháp phát triển nhân lực du lịch trình độ quốc tế được đưa ra tại hội thảo, việc quốc tế hóa chương trình đào tạo được nhấn mạnh. ThS. Phạm Thị Hồng Cúc (Khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) trong tham luận cho rằng, chương trình đào tạo là giá trị cốt lõi cho chất lượng đào tạo vì vậy phải được kiểm định và kiểm tra định kỳ cũng như có học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển. Việc xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cần tham khảo, đối sánh các chương trình tiên tiến trong khu vực, thế giới và cần theo tiêu chuẩn ngành nghề trong nước, được quốc tế công nhận. Cùng với đó, các trường cần liên kết giảng viên nước ngoài, trao đổi phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng khả năng ngoại ngữ cho sinh viên.
Đồng quan điểm, ThS. Phan Thị Ánh Hồng (Khoa Du lịch, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam) cũng đề cập việc xem xét, đẩy mạnh tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế với các trường học, doanh nghiệp nước ngoài. Theo ThS. Hồng, cần có cơ chế khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo du lịch uy tín trong và ngoài nước; khuyến khích mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo và kinh doanh du lịch (đặc biệt những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hoặc công ty 100% vốn nước ngoài uy tín, thương hiệu) để sinh viên có cơ hội được thực tập trong môi trường dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh nêu giải pháp tăng cường khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, ThS. Hồng còn nhấn mạnh việc xây dựng chương trình đào tạo du lịch tiệm cận với tiêu chuẩn chung trong khu vực và quốc tế. Trong đó, cần cân đối phù hợp thời lượng thực hành và lý thuyết, tránh tình trạng nơi thì đào tạo quá nhiều lý thuyết, ít thực hành dẫn đến sinh viên bị hạn chế kỹ năng, kinh nghiệm thực tế; nơi thì ngược lại.
Chương trình đột phá phát triển nhân lực của TP.HCM
Tại TP.HCM, việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được thực hiện thông qua “Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2035 và ĐH chia sẻ” thuộc Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM. Cụ thể, 8 ngành này bao gồm: Công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.
Đề án tổng thể gồm 9 đề án thành phần, được thành phố đặt hàng các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì thiết kế, xây dựng; trong đó có 4 trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM là ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ thông tin cùng các trường khác như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trường ĐH Sài Gòn được giao chủ trì xây dựng đề án thành phần về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch.
Từ đầu năm 2022, Trường ĐH Sài Gòn đã xây dựng theo lộ trình về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch theo định hướng của TP.HCM. Đề án này của trường nêu dự toán các chương trình đào tạo theo lộ trình mang tính liên thông từ cử nhân đến tiến sĩ. Riêng chương trình đào tạo cử nhân du lịch trình độ quốc tế có 2 phương án liên quan tới đào tạo ngoại ngữ, trong đó có phương án học hoàn toàn bằng tiếng Anh, do các trường ĐH Việt Nam cấp bằng, thời gian đào tạo 4 năm, chương trình chuẩn quốc tế; 20-30% môn chuyên ngành sẽ do giảng viên, nhà nghiên cứu uy tín từ nước ngoài giảng dạy.
Việt Ngân
Bình luận (0)