Đi sâu vào thơ Bác qua tập “Nhật ký trong tù”, ta càng thấy toát lên rất đậm đà khí vị cổ điển giàu tính chất dân tộc qua nhiều nội dung.
Tập thơ “Nhật ký trong tù”
1. Trước hết đó là sự gắn bó với thiên nhiên, thiên nhiên hiện lên như một người bạn chí thiết. Người và cảnh vật như hòa làm một, tuy đa dạng song ở dạng nào cũng chan chứa tình người, cũng trong sáng tuyệt vời như tấm lòng Bác vậy. Khi thì cảnh núi sông hùng vĩ: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ”, khi thì vui với “Chùm mây trôi nhẹ giữa tầng không”, lúc để tâm hồn bầu bạn với cảnh: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ” hay “Dế kêu khoan nhặt đón mừng thu”… Đặc biệt là ánh trăng, “Nhật ký trong tù” man mác ánh trăng, ở cảnh trăng nào nhà thơ cũng gửi gắm vào đó cả tâm hồn của mình, ta cảm thấy như trăng cũng nồng đượm hơi thở, cũng lấp lánh ánh sáng của tâm hồn Bác. Yêu thiên nhiên, đó là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của nhân dân ta, thể hiện rõ trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…, cùng với ca dao, dân ca… Bác đã tiếp thu truyền thống đó, song Bác đã đem về cho thiên nhiên của mình một màu sắc cách mạng mới. Bác đã thu góp tất cả những cái tích cực chọn lọc cổ kim và hòa vào đó cái vĩ đại của tâm hồn mình, làm cho nó toát lên một ánh sáng diệu kỳ, ánh sáng cao thượng của một tâm hồn cách mạng. Thi nhân xưa có người “trốn” đến thiên nhiên để quên lãng, để được vỗ về an ủi trong những lúc sầu muộn. Nhưng Bác đến với thiên nhiên, “hòa tâm hồn mình vào cái rộng lớn của tạo vật và cũng đóng góp vào tạo vật cái vĩ đại của tâm hồn mình” (Hoàng Dung – Giáo trình văn học sử – Đại học Sư phạm Hà Nội 1960).
Thơ của Bác gắn bó với thiên nhiên, thiên nhiên ấy rất đậm đà tính dân tộc, là thiên nhiên dịu dàng, gần gũi: khóm chuối, tiếng dế, con chim, là ánh trăng nhẹ nhàng mà tinh khiết, thiên nhiên đó rất hợp với phong vị giản dị của người dân ta. Ta còn thấy trong thơ Bác cái phong độ “ung dung tự tại” của các bậc hiền nhân quân tử một thời. Cái ung dung không đứng ngoài chiến đấu mà cái ung dung của một con người khi biết nắm được “lẽ biến dịch” của cuộc đời. Sức mạnh bình tĩnh đó thể hiện rõ trong các bài thơ “Quá trưa”, “Ngắm trăng”, “Nói cho vui”… Cảnh tù ngục bao nhiêu đau khổ cực nhục, Bác vẫn rất ung dung và “tự hào” về mình. “Ăn cơm nhà nước, ở nhà công/ Binh lính thay nhau để hộ tùng/ Non nước dạo chơi tùy sở thích/ Làm trai như thế cũng hào hùng”. Song sắt của nhà tù không giam được tâm hồn Bác, Người vẫn vui với cảnh vật, với trăng, với chim chóc, hoa lá.
2. Một đặc điểm nữa của thơ Bác mà “Nhật ký trong tù” cũng thể hiện rõ đó là tính chất giản dị. Thơ Bác dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ tuy viết theo lối cổ. Nếu như “Văn tức là người” thì thơ của Hồ Chí Minh phản ánh rất đúng đạo đức của Người. Thơ của Bác đến với chúng ta từ những cái rất giản dị, bình thường, song qua những cái bình thường đó ta bắt gặp một nội dung tư tưởng vĩ đại, một tâm hồn Cộng sản lớn lao, đi mãi mà không hết bề sâu của nó. Cái giản dị trước tiên ở thơ Bác thể hiện ở đề tài. Bác làm thơ về cái gậy bị mất, cái răng bị gãy, cái cùm, phần cơm để nguội, cả đến việc đau bụng, ghẻ lở…, đó là những cái gần gũi Người trong cuộc sống. Bác không chủ ý lấy đó làm phương tiện để nói tới những cái cao xa mà là biểu hiện tình cảm thật của mình đối với những sự vật đó. Nếu có những bài toát lên những ý tứ sâu xa thì cũng là những xúc động chân thật, được nâng lên không xa cách chút nào cả. Bác tiếc chiếc gậy, người bạn đường ngay thẳng, kiên cường bị đánh cắp; Bác tìm thấy cái vui, cái đẹp trong cảnh lao động bình thường; Bác trân trọng những cái có ích cho mọi người dù chỉ là một tiếng gà gáy, một cột cây số…, những đề tài ít gặp trong thơ cổ xứ người.
Cái giản dị của Bác còn thể hiện ở cách nói: Thơ của Bác không có cái khoa trương ồn ã, mà dịu dàng mộc mạc, song chứa chan chất thép, tình người. Với những giản dị của nội dung, thơ Bác đã kéo theo một sự giản dị về ngôn ngữ. Trong tập thơ ta thấy Bác dùng rất nhiều khẩu ngữ, nhiều thành ngữ, dùng cả tiếng lóng nhà tù, thậm chí cả tiếng ngoại quốc. Bác cũng đã không câu nệ khi đưa vào câu thơ cả tiếng trẻ khóc: Oa! Oa! Oa!. Một bài thơ nói về sự mất tự do mà được nhiều nhà thơ nước ngoài nhắc đến vì sự giản dị của nó: “Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho/ Cửa tù khi mở không đau bụng/ Đau bụng thì không mở cửa tù”. Từ một điều rất bé nhưng nói một vấn đề rất lớn!
3. Hồ Chí Minh có một lòng thương người mênh mông, bên cạnh những câu thơ trân trọng, chan chứa yêu thương với nhân dân thì ta cũng bắt gặp những câu thơ mỉa mai sâu cay đánh vào kẻ thù, vào những thói hư tật xấu làm hại con người. Chính cái đó đã tạo nên tính chất trữ tình trào phúng “Nhật ký trong tù”, một nét riêng của tập thơ. Bên cạnh những bài thơ ngọt ngào tình yêu đời, khát khao tự do mà tính chất trữ tình sâu sắc, ta bắt gặp những câu thơ nhẹ nhàng song rất sâu cay, bóc trần bản chất vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến. Đọc đoạn thơ sau về những mâu thuẫn xã hội được trình bày một cách khách quan, Bác đã đem đến chúng ta một nụ cười nhẹ nhàng, song đằng sau nụ cười đó hiện lên một hiện thực xấu xa, một bất công vô lý của xã hội: “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội/ Trong tù đánh bạc được công khai/ Bị tù con bạc ăn năn mãi/ Sao trước không vô quách chốn này”. Những câu thơ chỉ thuần kể việc, nhưng những sự việc tự nó nói lên tất cả, chẳng cần bình luận gì thêm: “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc/ Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh/ Chong đèn, huyện trưởng làm công việc/ Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Một sự thái bình như mặt nước phẳng trên vũng bùn!
Tính châm biếm được gợi tả sâu sắc nhờ những biện pháp nghệ thuật mà Bác hay sử dụng: lối đối ngẫu: “Túc vinh mà đế ta mang nhục”, bằng phản ngữ “Ai ngờ đất bằng gieo sóng gió/ Phải làm khách quý tại nhà giam”. Tuy nhiên, một điều ta bắt gặp ở thơ Bác và chính điều này đã góp phần tạo nên cái giá trị sâu sắc, cái lối “umua – hài hước, châm biếm” riêng biệt của “Nhật ký trong tù”. Đó là sự kết hợp hai mặt trữ tình và trào phúng. Cái chính của thơ Bác là lòng thương yêu. Chính vì thương yêu con người mà châm biếm những cái xấu xa, tàn ác bất công. Bác châm biếm vạch trần bộ mặt vô nhân đạo của xã hội bấy giờ, song bên cạnh bài thơ lại toát lên niềm thương cảm đau xót với những nạn nhân của xã hội đó. Sau nụ cười, lòng chúng ta thắt lại, dâng trào niềm cảm thương và lòng căm thù sâu sắc. Đọc bài thơ sau: “Biền biệt anh đi không trở lại/ Buồng the trơ trọi thiếp ôm sầu/ Quan trên xót nỗi em cô quạnh/ Nên lại mời em tạm ở tù”. Ta thấy tính trào phúng toát lên từ các cụm từ “quan trên xót nỗi”, “nên lại mời em”. Những cụm từ tạo nên một mâu thuẫn trong cái hiện thực “ở tù” của người bị bắt. Chính cũng từ đó mà bộ mặt thật của chế độ tàn bạo bị phơi bày và cũng từ đó mà ta thông cảm sâu xa với số phận của bao nhiêu người vợ lính bị giam hãm trong tù ngục chính quyền Tưởng Giới Thạch. Một hình ảnh đầy nghịch lý chứa đựng hai mặt của tình cảm, mặt nào cũng sâu sắc. Đó chính là sức mạnh của thơ Bác được tạo nên bởi tính trữ tình – trào phúng của nó. Cái hóm hỉnh tế nhị trong thơ phần nào đã phản ánh con người thực của Bác. Thơ của Bác, nhìn chung, tính chất trào phúng có một xuất phát điểm là cái thế mạnh, cái sự đứng trên của một kẻ nắm được lẽ phải, cái thế đứng mà dân tộc trao cho, khiến Người luôn là kẻ mạnh, chiến thắng kẻ thù, đứng trên mọi lao lung.
Nhà giáo Hà Quảng (Hà Tĩnh)
* Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) là tập thơ gồm các bài chữ Hán của Hồ Chí Minh viết từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943 dưới dạng một quyển sổ tay nhỏ. Tác phẩm được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ. Đến nay tác phẩm đã được xuất bản nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật…
Bình luận (0)