Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 9-11, UBND TP.HCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP.HCM và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.


Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng – chia sẻ tại hội nghị

Tham dự và chủ trì có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng.

Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng – cho biết, trong năm 2022 hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã tuyển sinh được 377.423 người học các trình độ, đạt 101,73% so với kế hoạch năm. Trong đó, tỉ trọng ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm của thành phố là: 41,56% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu (tương đương có 156.868 người học); 49,13% ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu (tương đương có 185.445 người học); 2,32% ở 8 ngành tự do dịch chuyển trong khối ASEAN (tương đương có 8.767 người học); 6,98% ở các ngành đào tạo khác (tương đương có 26.343 người học).

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh ở nhiều năm gần đây đã phản ánh phần nào xu hướng chọn nghề của người học. Muốn học nghề nhanh, sớm tham gia thị trường lao động nên đa phần người lao động sẽ khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với người lao động có tay nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh trình độ đại học có nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh khi đăng ký dự tuyển nên đã tạo ra sự khó khăn cho các trường trung cấp, trường cao đẳng khi bị động trong nguồn tuyển sinh hàng năm.


Ông Lê Văn Thinh tặng hoa chúc mừng nhà giáo công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng trung cấp trên địa bàn TP được cơ cấu thành 8 tiểu ban chuyên gia theo nhóm ngành đào tạo chủ yếu: Ngành vận tải – kho bãi – logistics; ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn; ngành cơ khí – tự động hóa; ngành công nghệ thông tin – truyền thông; y tế – chăm sóc sắc đẹp – thời trang; tài chính – tín dụng – ngân hàng; xây dựng – đô thị – môi trường; văn hóa – nghệ thuật – xã hội và nhân văn.

Để hoạt động giáo dục ngày càng phát triển, ông Thinh lưu ý, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Kế hoạch số 267-KH/TU ngày 21-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn TP.HCM với 8 nhiệm vụ cụ thể.

Cùng với đó, Hội đồng hiệu trưởng cần tập trung vào 5 công tác trọng tâm trong năm 2024 gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp; công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối cung – cầu lao động; nâng cao chất lượng sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp; đào tạo cho các đối tượng chính sách và có chế độ sinh hoạt định kỳ của Hội đồng hiệu trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tại hội nghị, ông Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trưởng Tiểu ban ngành cơ khí – tự động hóa – cho rằng, trước những khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đạt được mục tiêu mà UBND TP đã đề ra trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất cần sự chủ động, tích cực của các cơ sở đào tạo. Cùng với đó là sự phối hợp của các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của TP để biến các chủ trương và kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thành hiện thực.


Chuyên gia góp ý nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM

Ông Võ Long Triều – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trưởng Tiểu ban ngành công nghệ thông tin – truyền thông -cho rằng, mặc dù nhu cầu rất lớn, nhưng TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này, các trường cao đẳng và trung cấp của TP cần quan tâm cải tiến nội dung và phương thức đào tạo. Đặc biệt, các trường cần triển khai nội dung đào tạo công nghệ thông tin cho các đối tượng nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật đủ khả năng thích ứng, hoàn thiện các chương trình ứng dụng trong môi trường làm việc cụ thể.

Hồ Trinh

Bình luận (0)