Năm học này, STEM xuất hiện trong các trường tiểu học tại TP.HCM với vai trò là một môn học mới. Các chuyên gia cho rằng quá trình triển khai cần được giám sát nhiều hơn để không nhầm với công nghệ, thủ công.
Theo các chuyên gia, STEM trải nghiệm cần được giám sát để không nhầm lẫn với công nghệ, thủ công
Năm đầu tiên có môn học STEM
Không sử dụng sách vở, bút viết, môn học STEM trải nghiệm tại lớp 4/8 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) diễn ra ở phòng học STEM chỉ với giấy màu, bông gòn, bìa các-tông, kéo… Lớp học được chia thành 5 nhóm, chế tạo mô hình tái hiện vòng tuần hoàn của nước – kiến thức môn khoa học mà học sinh đã học.
Không trực tiếp đứng lớp mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong môn học STEM trải nghiệm, thầy Phạm Thanh Tâm (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/8) chia sẻ, lần đầu tiên môn học STEM trải nghiệm được tổ chức bài bản trong năm học này khi đưa vào thời khóa biểu từng tuần đã hỗ trợ giáo viên rất nhiều khi thiết kế tổ chức giảng dạy STEM bài học. Được đổi mới không gian lớp học tại phòng học STEM, học sinh rất thích thú, mỗi tuần đều háo hức chờ mong đến tiết học này. “Năm đầu tiên STEM được đưa vào giảng dạy, giáo viên vẫn còn không ít lúng lúng. Qua chính các tiết học STEM trải nghiệm, với vai trò hỗ trợ giảng dạy, giáo viên học hỏi được thêm nhiều kiến thức về tiến trình bài học STEM, cách tổ chức lớp học STEM….”, thầy Tâm cho hay.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện đang phối hợp với 3 đơn vị để tổ chức giảng dạy STEM trải nghiệm trong nhà trường. Mỗi đơn vị, với những thế mạnh riêng sẽ phụ trách triển khai nội dung phù hợp, như: STEM trải nghiệm, STEM khoa học, STEM robotic. Cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, năm học này STEM trải nghiệm được nhà trường tổ chức 1 tiết/tuần ở tất cả các khối. Không chỉ dừng ở trải nghiệm, tiết học còn gắn liền với chương trình học của từng khối, được tổ chuyên môn từng khối ngồi lại cùng đơn vị đối tác xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp. Trong đó, chọn lọc các nội dung kiến thức có sự tích hợp liên môn để thiết kế thành hoạt động STEM, có vận dụng thêm những yếu tố về công nghệ để thiết kế sản phẩm.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong tiết học STEM trải nghiệm
Tương tự, cô Mai Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) thông tin, năm nay nhà trường phối hợp với đơn vị đối tác tổ chức dạy STEM trải nghiệm ở khối 3, thời lượng 1 tiết/tuần. Chương trình giảng dạy được nhà trường phối hợp xây dựng, trong đó chương trình STEM trải nghiệm hàng tuần không tách rời mà gắn với nội dung kiến thức môn học mà học sinh đã học. Trong mỗi tiết STEM trải nghiệm, giáo viên phụ trách chính là thầy cô của đơn vị đối tác, còn giáo viên chủ nhiệm tham gia với vai trò hỗ trợ, quản lý lớp, điều tiết học sinh cũng như theo dõi, học hỏi thêm tiến trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM để nâng cao năng lực chuyên môn khi đưa STEM vào bài học trên lớp. “STEM trải nghiệm không đơn thuần là một hoạt động trải nghiệm để tăng thêm kỹ năng cho học sinh mà quan trọng phải hỗ trợ các môn học khác, giúp học sinh hiểu rõ kiến thức gắn với thực tiễn, hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. STEM trải nghiệm cũng khác với STEM bài học bởi đây là hoạt động tách biệt với thời lượng học chính khóa của học sinh nên sẽ đi sâu, làm rõ hơn về phần kiến thức học sinh được học, đặt ra thêm nhiều vấn đề thực tiễn để học sinh giải quyết, qua đó các em được rèn thêm nhiều kỹ năng”, cô Phượng cho biết.
Cần giám sát để không nhập nhằng
Cô Đỗ Ngọc Chi nhìn nhận, STEM là hoạt động giáo dục mới, nếu ngay từ đầu không được tổ chức một cách bài bản, khoa học, có định hướng thì rất dễ đi chệch hướng, thậm chí có thể biến STEM thành môn công nghệ, thủ công…, lâu dần sẽ khiến giáo viên hiểu sai về STEM, từ đó sẽ làm sai. Trong mỗi tiết học STEM trải nghiệm, giáo viên chủ nhiệm sẽ cùng đứng lớp hỗ trợ giảng dạy. Đây cũng là cách để nhà trường bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ về giáo dục STEM.
PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn công nghệ) lưu ý, khi nhà trường đưa đơn vị đối tác vào để cùng triển khai STEM thì trước hết cần bám sát về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Quá trình thực hiện nhà trường phải chủ động đánh giá, giám sát về điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nội dung giáo trình giảng dạy… Tuy vậy, theo ông Hồng, thực tế vẫn còn không ít nhà trường, giáo viên nhầm lẫn STEM với công nghệ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì đội ngũ chưa được bồi dưỡng sâu, tiếp cận bài bản từ đầu mà đôi khi mới chỉ nghe nói và “hùa” theo xu hướng. Như vậy, bắt buộc nhà trường phải chủ động tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ. Bản thân các đối tác khi đưa STEM vào nhà trường cũng cần phải làm thật về STEM chứ không lập lờ giữa STEM và công nghệ. Đây mới là điều quan trọng nhất, vì trong bối cảnh hiện nay, giáo dục STEM ở tiểu học vẫn còn quá mới, giáo viên và nhà trường vẫn còn không ít lúng túng khi bắt tay thực hiện. “Công nghệ là yếu tố bắt buộc trong dạy học STEM. Bởi STEM thực chất là dạy khoa học trên nền tảng của ứng dụng công nghệ. Trong đó, yếu tố công nghệ sẽ tùy theo nội dung khoa học được giảng dạy. Ví dụ đơn giản là vật liệu, dụng cụ sử dụng khi mô hình hóa một chủ đề nào đó. Thậm chí, với lứa tuổi nhỏ, công nghệ được xem là yếu tố thủ công – là công cụ để truyền tải các kiến thức khác. Như vậy, khi dạy STEM trải nghiệm thì cần phải gắn với nội dung kiến thức học sinh đã học trên lớp. Nếu tách biệt sẽ trùng với môn hoạt động trải nghiệm”, ông Hồng phân tích.
Ông Hồng nhấn mạnh, năm học này khi STEM lần đầu tiên đưa vào trường tiểu học được xem như đặt nền tảng, bản lề cho các năm học sau. Như vậy, ngay năm đầu triển khai, nếu các trường, giáo viên không đi đúng hướng thì đến một lúc nào đó STEM sẽ bị quên lãng vì bị làm sai, hiểu sai. “Cơ bản, quan trọng nhất vẫn là trang bị cho giáo viên hiểu biết đúng, đủ về STEM để thầy cô có đủ năng lực phân biệt được STEM với công nghệ, thủ công, với hoạt động trải nghiệm đơn thuần, để khi tiếp nhận các thông tin từ đơn vị đối tác sẽ có sự phản biện lại, đặt hàng theo đúng tinh thần STEM. Ngành giáo dục cần phải giám sát thường xuyên, tăng cường bồi dưỡng tập huấn để tránh việc các trường loay hoay tìm chuyên gia trong năm đầu tiên còn nhiều mới mẻ”, ông Hồng đặt vấn đề.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)