Toàn bộ 41 công nhân Ấn Độ mắc kẹt trong đường hầm sập đã được giải cứu sau 17 ngày.
Những công nhân Ấn Độ mắc kẹt đầu tiên được giải cứu.
Tất cả 41 công nhân xây dựng bị mắc kẹt trong đường hầm dài 4,5 km suốt hơn hai tuần qua cuối cùng đã được giải cứu vào tối 28.11.
Các công nhân lần lượt được kéo ra trên cáng có bánh xe thông qua một đường ống lớn mà lực lượng cứu hộ ở bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ đã đưa vào qua các lớp mảnh vụn và đá.
Các đội y tế túc trực trong nhiều ngày để đánh giá tình trạng của những công nhân sau khi họ được giải cứu và đưa đến các bệnh viện gần đó ngay lập tức.
Các chuyên gia y tế cho biết, các công nhân sẽ cần được hỗ trợ và theo dõi lâu dài về chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Bác sĩ Dinakaran D – thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh Quốc gia Ấn Độ – nói với tờ Al Jazeera: “Tất cả 41 người sẽ trải qua một số triệu chứng sau chấn thương như mất ngủ, ác mộng tái diễn, hồi tưởng lại vụ sập đường hầm, lo lắng”.
Hoạt động cứu hộ gặp nhiều trở ngại do tính chất của địa hình Himalaya và lỗi thiết bị, khiến quá trình giải cứu bị kéo dài. Ban đầu, các máy xúc tìm cách đào ngang qua đống đổ nát, định đưa ống thép rộng làm lối đi cho công nhân thoát ra khỏi đường hầm. Tuy nhiên, những tảng đá lớn đã cản trở quá trình này. Các mảnh vụn, đá cuội, xi măng và thanh sắt bên trong đường hầm càng khiến nhiệm vụ bị trì hoãn.
Trong chiến dịch cứu nạn, ngay cả những máy khoan tinh vi nhất cũng nhiều lần bị hỏng, khiến các cơ quan chính phủ phải huy động những công nhân sử dụng phương pháp khai thác than thô sơ để khoan bằng tay xuyên qua các mảnh vỡ ở giai đoạn cuối của chiến dịch giải cứu.
Những thợ mỏ này, đến từ các bang miền Trung Ấn Độ, là những chuyên gia trong việc tiếp cận các mỏ than qua những lối đi hẹp bằng các phương pháp nguy hiểm.
Tỉ phú công nghiệp Ấn Độ Anand Mahindra lưu ý, sau tất cả các thiết bị khoan phức tạp đã thất bại, chính những người thợ mỏ “khiêm tốn” đã tạo ra bước đột phá quan trọng. “Đó là một lời nhắc nhở ấm lòng rằng, xét cho cùng, chủ nghĩa anh hùng thường là sự nỗ lực và hy sinh của cá nhân” – ông viết trên mạng X (trước đây là Twitter).
Khoảng 60 quan chức quản lý thảm họa, 80 cảnh sát và 20 quan chức cứu hỏa đã tham gia vào nỗ lực cứu hộ. Các chuyên gia quốc tế, trong đó có Arnold Dix – chuyên gia đào hầm đến từ Australia – cũng được điều động tới sứ mệnh này.
Khi sứ mệnh gần kết thúc, người nhà của các công nhân đang chờ đợi bên ngoài đường hầm bắt đầu ăn mừng. Bất chấp những trở ngại trong quá trình khoan gây ra sự chậm trễ, các thân nhân cũng như đội ngũ bác sĩ và bác sĩ tâm thần vẫn tận tâm tiếp thêm động lực cho những công nhân bị mắc kẹt.
Các công nhân bị mắc kẹt vào ngày 12.11, ngày Ấn Độ đang tổ chức lễ hội tôn giáo lớn nhất, Diwali, khi một phần đường hầm mà họ đang thi công bị sập do lở đất. Họ không bị thương và các cơ quan chính phủ có thể liên lạc với họ bằng bộ đàm trong vòng vài giờ. Kể từ đó, các công nhân này đã nhận được thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác qua các ống thép.
Đường hầm bị sập là một phần của dự án đường cao tốc Char Dham đầy tham vọng trị giá 1,5 tỉ USD của Ấn Độ, nối các địa điểm hành hương của người Hindu ở Uttarakhand thông qua mạng lưới đường bộ dài 890 km.
Tuần trước, Reuters đưa tin, một nhóm chuyên gia điều tra thảm họa cho biết, đường hầm không có lối thoát hiểm và có thể được xây dựng ở một đứt gãy địa chất được gọi là “vùng cắt”, có thể là nguyên nhân khiến hầm bị sập.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)