Chiều 30-11, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM sẽ triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại
Tại đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã thông tin về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện sở này, hiện nay trên địa bàn thành phố đang thực hiện việc phân loại theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND của UBND TP. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Qua thực tế triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn giai đoạn trước đây (từ năm 2017 đến năm 2020), để chuyển đổi từ việc phân loại rác sinh hoạt từ 2 nhóm theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND sang 3 nhóm theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (thêm nhóm chất thải thực phẩm) thì các địa phương cần có thời gian để trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển xây dựng kế hoạch.
Bên cạnh đó, rà soát trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn mới mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành trong tháng 11-2023 nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng.
Để chuẩn bị triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 3 nhóm, thành phố đã làm việc với UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện rà soát tình hình tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại và có ý kiến về thời điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trên cơ sở đề xuất của UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện có xác định thời điểm triển khai phân loại trên địa bàn thành phố. Để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn đang triển khai trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu, đề xuất lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố theo Luật Bảo vệ Môi trường.
Cụ thể, trong giai đoạn trước ngày 31-12-2024, UBND TP giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố về cơ bản thành 2 loại theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND TP.
Chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển tại địa phương. Có kế hoạch tuyên truyền, thông tin đến đơn vị hoạt động thu gom, người dân, tổ chức trên địa bàn để người dân và lực lượng thu gom hiểu rõ và có bước chuẩn bị trước nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sự tham gia, đồng thuận của người dân khi thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Từ ngày 31-12-2024, thành phố triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại theo khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong thời gian vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp, đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện một số nội dung.
Trong đó, làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn, đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, các điểm hẹn, trạm trung chuyển đảm bảo nguyên tắc chất thải sinh hoạt sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý. Thực hiện rà soát và dự báo khối lượng phát sinh các nhóm chất thải rắn sau phân loại…
Trên cơ sở tổng khối lượng chất thải thực phẩm phát sinh hàng ngày tại địa phương do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện báo cáo, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét điều phối về các đơn vị xử lý chất thải phù hợp.
Đối với việc chế tài, và xử lý đối với các trường hợp không thực hiện phân loại rác tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng việc phối hợp với các sở ngành, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể tập trung công tác tuyên truyền, giải thích để người dân thấy được giá trị, những lợi ích mang lại từ việc phân loại rác tại nguồn. Qua đó chủ động tham gia, từng bước thay đổi thói quen hàng ngày trong cộng đồng dân cư đang được ưu tiên. Phối hợp quận huyện đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phân loại rác tại nguồn đồng bộ…
N.Trinh
Bình luận (0)