Hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau đã và đang áp dụng trên địa bàn TP.HCM chưa thực sự hiệu quả. Thực tế đòi hỏi cần có một cách tiếp cận mới mang tính đồng bộ từ cơ chế, chính sách nhằm huy động đội ngũ này tham gia xây dựng, phản biện chính sách phát triển kinh tế – xã hội của TP. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng rất cần thu hút các sinh viên giỏi trong nước cũng như các du học sinh…
TS. Hoàng Thế Bân đề xuất cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học
Thù lao của chuyên gia – 2 triệu đồng/giờ góp ý
Ông Phạm Bình An – Phó viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho biết, vấn đề thu hút và huy động chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó TP.HCM nảy sinh ngày càng nhiều vấn đề phức tạp, mới mẻ, chưa có tiền lệ nên rất cần các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu giải quyết trên nền tảng khoa học. Tuy nhiên những quy định nhằm nâng cao hiệu quả trong huy động chuyên gia hiện nay chưa được thông thoáng.
“Với đề án khoa học “Xây dựng, đề xuất cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tư vấn, xây dựng, phản biện chính sách TP.HCM” (gọi tắt là đề án – PV) đang ở giai đoạn sơ khởi, bên cạnh các giải pháp thì chúng tôi có những đề xuất định mức chi về xây dựng chính sách; quỹ nghiên cứu phát triển; dữ liệu phục vụ nghiên cứu phát triển… Trong đó, dự kiến đề xuất định mức chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ là 60 triệu đồng/người/tháng; hệ số lao động khoa học của các chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ là 1,0; thư ký khoa học là 0,6; thành viên chính 0,8; thành viên 0,6; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là 0,2. Định mức cho báo cáo viên trình bày tại hội thảo, tọa đàm khoa học, diễn đàn là 5 triệu đồng/báo cáo; xin ý kiến chuyên gia tư vấn tối đa 10 triệu đồng/người; đặt hàng chuyên gia góp ý dự kiến 2 triệu đồng/giờ….”, ông An thông tin.
Theo ông An, thu hút là “di chuyển” cả một con người vào trong hệ thống nên đòi hỏi phải lo từ visa đến nơi ăn chốn ở, các chế độ và nhiều vấn đề khác, đồng thời phải giữ chân họ để có sự đảm bảo lâu dài. TP đã có những giai đoạn chỉ thu hút được 5 người. Bất cập lớn nhất hiện nay trong thu hút nhân tài là quy trình thủ tục mất nhiều thời gian dẫn đến chuyên gia, nhà khoa học không có điều kiện để tập trung vào công tác chuyên môn, nghiên cứu, tư vấn. Do đó, yêu cầu đặt ra cho đề án là huy động chất xám của các chuyên gia ở khắp nơi để giải quyết những vấn đề chính sách phát triển TP.
“Đề án sẽ có nhiều giải pháp tương đối rõ ràng để giải bài toán này cả về quy trình thủ tục, trong đó có cả xã hội hóa”, ông An thông tin thêm.
Thu hút du học sinh về nước làm việc
TP.HCM là nơi đi đầu trong triển khai thí điểm nhiều chủ trương chính sách mới của Trung ương. Những chính sách này đều mang tính đột phá nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM; sau đó nhân rộng cho cả nước. Trong quá trình này, vai trò tư vấn, xây dựng và phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng.
Sinh viên giỏi là một nguồn nhân lực chất lượng cao cần có chế độ thu hút. Ảnh: H.Tr
Tuy nhiên làm sao “lấy được chất xám” của các chuyên gia, nhà khoa học lại là một vấn đề không đơn giản. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những giải pháp trong đề án mà Viện Nghiên cứu Phát triển TP vừa nêu thì cần phải tính đến nhiều giải pháp khác.
Từ bài học thu hút chuyên gia của Trung Quốc làm về chương trình không gian vũ trụ 20 năm trước đến nay vẫn thành công, TS. Hoàng Thế Bân (chuyên gia đang làm việc tại TP.HCM theo chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP) góp ý: “Trong hoàn cảnh hiện nay, việc xây dựng, đề xuất cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước phải ưu tiên cái nào làm trước, cái nào làm sau. Tránh một lúc làm nhiều thứ, dù sẽ có kết quả nhưng không có thành quả triệt để. Tại Trung Quốc, khi chọn được sự ưu tiên thì họ làm triệt để nên rất thành công”.
TS. Nguyễn Thị Hoài Hương – Viện Nghiên cứu Phát triển TP – cho rằng, làm rõ các tiêu chí chọn lựa chuyên gia sẽ có sự thuyết phục hơn. Trong bối cảnh 4.0 sẽ ưu tiên thu hút chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số nhiều hơn. Đồng thời, về lâu dài, cân nhắc tỷ lệ lực lượng chuyên gia nước ngoài tham gia vào thị trường lao động Việt Nam cho phù hợp để tránh trường hợp đội ngũ này hưởng hết thị phần lao động trong nước. TP.HCM cũng cần có chiến lược thu hút chuyên gia, nhà khoa học lâu dài chứ không phải tính theo nhiệm kỳ hay từng giai đoạn. Ở đó, quy định rõ cơ chế, tiêu chí và phải kiên trì trong thực hiện. Đặc biệt, để xây dựng được lực lượng chuyên gia lâu dài phải tính đến việc đầu tư về GD-ĐT chuyên sâu, quy tụ sinh viên giỏi.
“Không chỉ khai thác sử dụng mà cần cả chương trình đào tạo rõ ràng để tạo nguồn. Cần đánh giá lại những chương trình, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà TP đã đưa ra để có kinh nghiệm thực tế. Ngay cả nguồn lực du học sinh về nước chúng ta đã sử dụng như thế nào? Các nước châu Âu, châu Á đều có những chính sách thu hút du học sinh ở lại làm việc và có những chế độ ưu ái, lương cao. Vấn đề này cũng đặt ra cho TP bài toán thu hút sinh viên, du học sinh quay về làm việc để tận dụng chất xám đó và đào tạo họ thành những chuyên gia trong tương lai”, bà Hương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan – Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế TP, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học không chỉ về vật chất mà còn là sự đóng góp tinh thần, đặc biệt các đề tài đặt ra cho đội ngũ nghiên cứu sát với nhu cầu của TP.
“Cần đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho các chuyên gia. Chúng ta phải quan tâm đến việc đặt hàng, đưa ra chủ đề sát với nhu cầu thực tế mà người dân TP cần. Đề tài nghiên cứu cần rõ ràng, cụ thể…”, bà Lan góp ý.
Minh Phương
Bình luận (0)