Theo báo Washington Post, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy sự bùng nổ các website nội dung chứa đựng những bài viết bắt chước “y như thật” các bài báo để lan truyền các thông tin sai lệch từ bầu cử, chiến tranh đến thiên tai.
Độc giả bị nhiễu loạn thông tin bởi tin giả Ảnh: ISTOCK
Báo Washington Post cho hay, trước đây các hoạt động tuyên truyền thường dựa vào “một đội quân được trả lương” hoặc các tổ chức tình báo phối hợp chặt chẽ để tạo ra các webiste tạo cảm giác tin cậy cho người đọc. Nhưng giờ đây, AI đang giúp hầu hết mọi đối tượng – là thành viên của một cơ quan gián điệp hay chỉ là một thiếu niên – có thể dễ dàng tạo ra những website như vậy, khiến độc giả khó phân biệt tin thật với tin giả.
NewsGuard, tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch, lấy dẫn chứng từ điều tra về một bài báo bịa đặt do AI tạo ra. Theo đó, nội dung bài viết nói về một bác sĩ tâm lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được phát hiện đã chết và để lại tờ ghi chú ám chỉ Thủ tướng Israel liên quan đến cái chết của ông này. Thông tin sai sự thật này sau đó xuất hiện trên một kênh truyền hình của Iran, rồi được đăng lại trên các trang tin bằng nhiều thứ tiếng và nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội có lượng người dùng “khủng” như TikTok, Reddit và Instagram.
Sự gia tăng số lượng các website thông tin giả mạo khiến các chuyên gia an ninh mạng đặc biệt lo ngại trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2024. “Một số website đang tạo ra hàng trăm hàng ngàn bài viết mỗi ngày.
Đó là lý do chúng tôi gọi các website này là những kẻ truyền bá thông tin sai lệch thế hệ mới”, Jack Brewster, một chuyên gia của NewsGuard, nói. AI tạo sinh đã mở ra một kỷ nguyên mà ở đó Chatbot, trình tạo hình ảnh và trình sao chép giọng nói có khả năng tạo ra các nội dung y như con người làm.
Tại Slovakia, các chính trị gia tham gia tranh cử bỗng dưng thấy xuất hiện tràn lan trên mạng những tuyên bố về các vấn đề gây tranh cãi mà họ chưa một lần thốt ra, chỉ vài ngày trước khi cử tri đi bỏ phiếu. Những website mang tên chung chung như iBusiness Day hay Ireland Top News đăng tải tin giả bằng hàng chục ngôn ngữ từ tiếng Arab cho đến tiếng Thái.
Việc đặt các thông tin thật và giả cùng với nhau sẽ khiến các câu chuyện lừa đảo trở nên đáng tin cậy hơn nhiều. Jeffrey Blevins, giáo sư báo chí và chuyên gia về tin giả tại Đại học Cincinnati, cho biết: “Có những độc giả không đủ khả năng để nhận biết được thông tin đó là sai sự thật. Và nó đã gây ra sự hiểu lầm”. Mục đích tạo ra các webiste này khác nhau.
Có website được sử dụng vào việc gây ảnh hưởng đến niềm tin hoặc phá hoại đời sống chính trị, trong khi các website khác chỉ để thu hút số lượt nhấp chuột và tăng doanh thu quảng cáo. Tin giả thực chất không phải là điều gì mới mẻ khi đã xuất hiện từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, theo giáo sư Blevins, điều nguy hiểm hiện nay là quy mô và phạm vi tác động của AI, nhất là khi kết hợp với các thuật toán phức tạp hơn. “Đây là một cuộc chiến thông tin ở quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”, ông Blevins cảnh báo.
Một thống kê từ NewsGuard cho hay, tính từ tháng 5-2023 đến nay, số lượng website lưu trữ các bài viết sai sự thật do AI tạo ra đã tăng hơn 1.000%, từ 49 website lên hơn 600 website.
Theo Minh Châu/SGGP
Bình luận (0)