Với lợi thế, tiềm năng sông ngòi dày đặc, TP.HCM có thể xây dựng một hệ sinh thái du lịch hiện đại và phát triển kinh tế dọc bờ sông Sài Gòn. Nếu thành công, không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn tạo thế mạnh đặc trưng cho TP…
Tiềm năng của sông Sài Gòn còn nhiều, nếu biết khai thác đây sẽ là thế mạnh của TP.HCM
TP.HCM đang triển khai thực hiện “Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông năm 2023-2024”. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP – cho biết, mục tiêu trước tiên của đề án là xây dựng hạ tầng xanh, đa chức năng gắn với dòng sông. Đây là cơ sở để kinh tế dịch vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh môi trường nước, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế logistics, những mô hình phát triển kinh tế mới như kinh tế xanh.
“Trong kế hoạch thực hiện mục tiêu chú trọng đến việc phối hợp giữa các sở ban ngành về hạ tầng giao thông thủy, đường bộ, các hình thức giao thông vận tải di chuyển để phục vụ hoạt động kinh tế – xã hội hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, sông Sài Gòn là hành lang sông nước nên việc phối hợp giao thông thủy – bộ là một yêu cầu bắt buộc. Đó là phối hợp giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với việc khai thác hiệu quả chức năng sử dụng đất và phục vụ đa dạng các hoạt động trên bến dưới thuyền, văn hóa dọc hành lang sông.
Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TP.HCM kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam với các tỉnh thành Đông Nam bộ. Hệ thống sông ngòi dày đặc dài 1.100km đã cho phép TP phát triển mạnh giao thông đường thủy, xây dựng bến bãi giao thương hàng hóa thuận lợi. Ngày nay, sông Sài Gòn còn mang lại nhiều giá trị, tiềm năng để khai thác thương mại, logistics, dịch vụ, du lịch… và quan trọng là tạo nên dấu ấn riêng biệt của TP.HCM. |
Với ngành du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP – thông tin, để thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM năm 2023-2025, sở xác định các mục tiêu đối với số lượng khách, tàu thuyền, tour tuyến và nguồn thu cho tài nguyên đường thủy. Theo đó sẽ cải thiện các sản phẩm du lịch đường thủy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và liên kết vùng. Tuy nhiên, ngành du lịch không thể đơn thân thực hiện vì là ngành kinh tế tổng hợp nên phải hội tụ đủ về giao thông, hạ tầng mới có thể phát triển đồng bộ. Cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, xây dựng, kế hoạch đầu tư trong phát triển từ hạ tầng bến bãi đến đường thủy, bến cầu tàu đưa đón hành khách, bến neo đậu.
Cũng theo bà Hiếu, Sở Du lịch đã xác định một số nội dung cần phối hợp để phát triển sản phẩm như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá, tương tác với các doanh nghiệp và người dân. Bởi hiện nay các tour du lịch đường thủy có nhiều, thường xuyên nhưng việc hành khách tiếp cận rộng rãi, dễ dàng dữ liệu bằng công nghệ vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, sở cũng vận dụng cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư hạ tầng, đặc biệt ở các bến thủy nội địa nhằm khuyến khích phát triển du lịch đường thủy.
Để phát triển kinh tế trên sông Sài Gòn, ông Richard Ward – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International – cho rằng, TP.HCM phải chú trọng phát triển hạ tầng đường thủy, trong đó có bến du thuyền. Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch hàng hải nhưng khó khăn hiện nay ở TP.HCM là việc tìm kiếm kho xưởng, cơ sở hạ tầng, không có một bến du thuyền nào đủ tiêu chuẩn để phục vụ các con tàu, du thuyền lớn…
Theo TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, một trong những đặc trưng quan trọng của sông Sài Gòn không chỉ nối nội vùng đô thị với nhau, với các tỉnh miền Đông, miền Tây mà sông nước ở TP.HCM có tính chất hướng biển, có cảng biển lớn. Đây là tiềm năng quan trọng, là tính chất kinh tế xuất nhập khẩu dịch vụ, đặc biệt tính chất cởi mở cả về yếu tố văn hóa, kinh tế của TP. Tuy nhiên, hiện tại các cảng công nghiệp đã di dời ra bên ngoài để bảo vệ môi trường. TP.HCM nếu mất cảng không chỉ thiệt hại lợi nhuận kinh tế mà còn làm mất đặc trưng văn hóa cởi mở, giao lưu và kết nối với các vùng. Do đó, phải duy trì được hệ thống cảng, có thể chuyển đổi công năng là cảng du lịch nội vùng, cảng du lịch hướng biển.
“TP.HCM nên học hỏi mô hình từ các quốc gia khác để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế trên sông và trước hết phục vụ cho người dân. Đơn cử như mô hình giao thông trên sông của Thái Lan xuất phát từ việc phục vụ đi lại cho người dân trước, sau đó phục vụ cho du lịch. Với TP.HCM, khi người dân được hưởng lợi chắc chắn sẽ chung tay gìn giữ môi trường, từ đó có thể kết hợp du lịch để tạo ra những tuyến điểm như điểm đến khu ẩm thực, nơi sinh hoạt của cộng đồng, đặc biệt góp phần tạo dựng về mặt văn hóa ở nơi đó”, bà Hậu nói.
Phú Cát
Bình luận (0)