Từ năm 2006, Việt Nam đã có Đề án xây dựng trường ĐH đẳng cấp thế giới. Đến nay có 3 trường ĐH hoạt động nhưng để lọt top cần ít nhất 1 thập kỷ nữa.
Khởi đầu nan
Sinh viên trường ĐH Việt-Đức |
Câu chuyện xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT được bắt đầu cách đây hơn 15 năm. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, ngành giáo dục đào tạo (GDĐT) đã triển khai nhiều dự án để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp là mô hình tham khảo ban đầu để xây dựng đề án các trường ĐH theo mô hình mới.
Mục tiêu của các trường này là nhanh chóng đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ cao, tương đương với các nước phát triển, đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình hội nhập. Trong nhiều phương án đưa ra bàn thảo, hai phương án được chú ý nhất là phát triển một số trường ĐH hiện có thành ĐH đẳng cấp quốc tế; xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo mô hình mới hoàn toàn.
Nếu theo phương án thứ nhất, đầu tư giảm nhưng thời gian để đạt được mục tiêu sẽ kéo dài, làm chậm quá trình đổi mới. Cái khó của các trường ĐH tại Việt Nam không phải là nâng cấp chương trình đào tạo mà là phương thức, mục tiêu đào tạo và quản trị ĐH. Đổi mới chương trình thì dễ, có thể làm được ngay nhưng đổi mới tư duy, cách thức đào tạo và quản trị nhà trường đòi hỏi nhiều thời gian, kinh nghiệm.
Vì thế việc xây dựng các trường ĐH mới hoàn toàn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giảng dạy nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của các nước phát triển sẽ khả thi hơn. Thời điểm năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế gồm 16 thành viên, trong đó có GS Bùi Văn Ga.
Tuy vậy, theo GS Bùi Văn Ga, tên gọi ban đầu của đề án trường ĐH đẳng cấp quốc tế (world class university) được xếp hạng cao trong khoảng thời gian ngắn khiến nhiều người hoài nghi tính khả thi vì trường ĐH phải có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu lâu năm, tạo được uy tín trong nước và quốc tế. Điều này đòi hỏi thời gian, không thể nóng vội.
Muốn rút ngắn thời gian, phải đầu tư cực lớn, thu hút các nhà khoa học uy tín trên thế giới đến giảng dạy, nghiên cứu, công bố công trình khoa học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tương ứng. Tuy nhiên xét về góc độ trường ĐH theo mô hình mới như tên gọi cuối cùng của đề án thì đã đạt được những mục tiêu, giúp đổi mới cơ chế, chính sách và mô hình quản trị đại học.
Giai đoạn đầu triển khai dự án, có 2 trường ĐH theo mô hình mới là trường ĐH Việt-Đức ở Bình Dương và trường ĐH Khoa học và Công nghệ (trường ĐH Việt-Pháp) ở Hà Nội. Với quyết tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các dự án tiến hành thuận lợi về đất đai, nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhưng là người theo Đề án từ đầu, GS Bùi Văn Ga thừa nhận có khó khăn liên quan đến cơ chế vận hành nhà trường, mô hình quản trị trường ĐH và quy chế tuyển sinh, đào tạo. Những năm đầu khi chưa có Luật GDĐH (2013), chưa có cơ chế tự chủ nên việc vận hành các trường mới theo mô hình nước ngoài khá khó khăn do có rất nhiều điểm vênh với thế giới.
GS.TS Bùi Văn Ga |
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Việt-Đức |
TS Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng thường trực trường ĐH Việt-Nhật |
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng trường ĐH Việt-Đức, trường được xem là dự án “Hải đăng” trong quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức; giúp Việt Nam phát triển đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao, kinh tế và quản trị.
Hiện trường có 3.262 sinh viên và học viên đã và đang được đào tạo, học tập bằng tiếng Anh, được đào tạo thêm ngoại ngữ tiếng Đức, được các ĐH Đức cấp bằng. Bên cạnh sinh viên Việt Nam, còn có 4,6% sinh viên quốc tế theo học ở trường đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Nhưng để trường ĐH Việt-Đức hướng đến sứ mệnh và tầm nhìn như đã hoạch định ban đầu trong trung hạn và dài hạn, cần có cơ chế tổ chức, hoạt động; cơ chế tài chính đặc thù mới đủ cơ sở kiến tạo khuôn khổ pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho sự vận hành, phát triển của trường trong giai đoạn mới (một trường ĐH thiên về nghiên cứu chất lượng cao có danh tiếng quốc tế).
Một trong những nhiệm vụ mà trường cần phải thực hiện bằng được đó là xây dựng đội ngũ cán bộ học thuật của chính trường thật vững mạnh. Không “vay mượn”, phải “tự lực cánh sinh” được đội ngũ thì mới chủ động điều kiện nâng cao chất lượng. Hiện nay, có 3 trường ĐH theo mô hình của 3 nước hỗ trợ Việt Nam ngoài trường ĐH Việt-Đức còn có trường ĐH Việt-Pháp, trường ĐH Việt-Nhật. Các trường đều có sự hỗ trợ về mặt đội ngũ từ các nước.
Tại trường ĐH Việt-Nhật, TS Nguyễn Hoàng Oanh, Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường chia sẻ, trường được “thai nghén” từ năm 2009, đến năm 2014 có quyết định thành lập. Đội ngũ giảng viên của trường bao gồm giảng viên người Việt và người Nhật. Các cán bộ người Nhật hiện đang làm việc toàn thời gian hiện nay ở Trường ĐH Việt-Nhật được các đại học đối tác Nhật Bản (ĐH Tokyo, Osaka,…) phái cử đến làm việc với nhiệm kỳ từ 2-5 năm.
Trong chiến lược và tầm nhìn của mình, Trường ĐH Việt-Nhật đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một số lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu đạt đến trình độ hàng đầu châu Á. Muốn có những trường ĐH thực sự có thể làm nòng cốt cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới, Nhà nước vừa phải có hỗ trợ tài chính, vừa phải cho phép các trường tự chủ nhiều hơn trong học thuật và quản trị ĐH.
GS Bùi Văn Ga cho rằng, cần một thời gian nữa để các trường ĐH này khẳng định vai trò, vị trí của mình. Ông mong muốn các trường ĐH theo mô hình mới tiếp tục giữ vững bản sắc của mình trong quá trình thích nghi với điều kiện và môi trường đào tạo trong nước. Sự đa dạng hóa mô hình tổ chức quản trị ĐH sẽ giúp cho hệ thống GDĐH Việt Nam nhanh chóng tiếp thu được kinh nghiệm tốt của các trường ĐH tiên tiến để đào tạo nhân lực theo chuẩn mực quốc tế. |
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)