Trực tiếp phụ trách công tác cố vấn học tập ở ĐH (gần giống với chức danh giáo viên chủ nhiệm ở phổ thông), tôi có dịp gần gũi và lắng nghe nhiều tâm tư tình cảm của sinh viên. Một trong những tình huống khiến tôi nhiều lần trăn trở là quan niệm về tình yêu thời sinh viên thông qua những câu chuyện mà các em chia sẻ với tôi.
Có nhiều em cho rằng ĐH là một môi trường học tập thật sự: từ học những kiến thức sách vở mà thầy cô truyền đạt, đến việc học cách sống tự lập trong quản lý tài chính, giờ giấc, công việc; và thậm chí là… học cách yêu. Với lý do bản thân đang là sinh viên, chưa có đủ lực về kinh tế, về địa vị xã hội, chưa đủ bản lĩnh nên nhiều em thỏa hiệp với chính mình, tạo nên những quan niệm khá hời hợt về tình yêu đôi lứa ở giảng đường. Nếu ngay từ khi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm, các em đã có suy nghĩ đây chỉ là một quá trình thực tập, để thu lấy những kinh nghiệm thực tiễn cho các mối quan hệ sau khi ra trường thì rõ ràng những hành động ứng xử của các em cũng sẽ bị tự điều chỉnh trong vô thức. Đó là lý do các em có thể hờ hững cho qua một khúc mắc hiểu lầm nào đó giữa hai người. Đó là lý do các em có thể không biết trân trọng những gì tốt đẹp mà đối phương tận tâm tận sức dành cho mình… Tất nhiên, có thể hôm nay các em sẽ không chín chắn, không trưởng thành bằng ngày mai. Nhưng không vì thế mà các em cho phép bản thân của ngày hôm nay, của hiện tại có thể dễ dãi trong bất cứ việc gì.
Có nhiều em cảm mến đối phương là người khác tỉnh, khác miền (chẳng hạn như miền Nam yêu miền Bắc, miền Trung). Ra trường, tìm việc khó khăn, bản thân còn lo chưa xong, sao còn sức suy nghĩ cho người kia. Ai cũng phụ thuộc vào gia đình để tìm việc làm ở quê nên giải pháp “quê ai nấy về” sau khi tốt nghiệp là lẽ tất nhiên. Rồi thì xa mặt cách lòng, tình yêu có đẹp đến mấy cũng chẳng mấy chốc mà trở thành quá khứ nhiều kỷ niệm. Với cách nghĩ như vậy, nhiều em hoặc là ngại yêu người ở địa phương khác dù cả hai đều có cảm tình quý mến đặc biệt dành cho nhau; hoặc là quyết định vẫn bước vào mối quan hệ đôi lứa nhưng xác định rõ ràng với nhau là chưa biết mai sau như thế nào! Cá nhân tôi không nghĩ rằng, đến năm 2018 rồi mà việc yêu thương một người và tiếp tục gắn bó với người đó lại khó khăn chừng ấy chỉ vì hai người đều có quê xa. Nếu ngay từ đầu, chúng ta đã có thái độ ngại ngần dùng dằng như thế thì sao có thể đủ lửa để gìn giữ yêu thương?
Còn nhiều câu chuyện khác mà sinh viên chia sẻ cho thấy các em đang có cách nhìn chưa thỏa đáng về tình yêu thời sinh viên. Có thể những tình huống tình cảm đó chưa thể đại diện cho lối nghĩ của sinh viên hiện nay, nhưng qua đó có thể thấy: rất cần sự quan tâm của nhà trường trong công tác giáo dục tình cảm, lối sống cho sinh viên. Nhìn chung, cả những người trong cuộc lẫn xã hội vẫn thường quan niệm sinh viên là những cá nhân đã đủ 18, đủ tư cách về pháp luật và có đủ nhận thức xã hội, nên chỉ nghiêng về giáo dục kiến thức nghề nghiệp mà ít chú ý đến các vấn đề khác. Và quan niệm về tình yêu chỉ là một trong những vấn đề như thế.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)