Chúng ta thường nghe nói “Học tập suốt đời” và điều này thể hiện 4 giai đoạn học tại Việt Nam: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học, trong đó, 2 giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển đức, trí, thể, mỹ. Giai đoạn 3 và 4, học để gia nhập thị trường lao động. Tùy theo sở thích, khả năng và hoàn cảnh, HS có thể học giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học. Bài viết sau cung cấp những thông tin về quy hoạch nguồn nhân lực và kết quả thi THPT của địa phương để HS có sự chuẩn bị chắc chắn cho giai đoạn học tập tiếp theo.
HS Trường THPT Ngô Văn Cấn (H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: Như Thuận
Nhóm ngành nghề có nhu cầu cao cho phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL
Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và nhiều địa phương thì cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ. Tỷ trọng khác nhau tùy địa phương, vùng, theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2020 phấn đấu cơ cấu kinh tế chuyển dịch của vùng theo hướng gia tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, trong đó, công nghiệp, xây dựng 37,4%, dịch vụ 45,3% và nông-lâm-ngư nghiệp là 17,3%.
Bảng 1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020
Một số lĩnh vực ngành nghề HS cần lưu ý:
– Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
– Về công nghiệp: công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công nghiệp điện và năng lượng, phát triển điện sinh khối; hóa dầu; điện, điện tử; công nghiệp cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản, sản xuất phụ tùng lắp ráp máy động lực; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghệ hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng.
– Phát triển khu vực dịch vụ: du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội; dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; dịch vụ logistic để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và XNK; dịch vụ công nghệ thông tin.
Bến Tre có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển (từ nuôi trồng, đánh bắt đến hoạt động dịch vụ, hậu cần nghề cá, vận tải biển…) và có ưu thế cạnh tranh cao trong cả nước về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện gió và điện mặt trời. Trong thời gian tới, Bến Tre tiếp tục tập trung đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà tỉnh có thể cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tập trung cho 8 sản phẩm chủ lực: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm.
Về nhu cầu giáo viên phổ thông dự báo sẽ giảm, do dân số trong độ tuổi giảm dẫn đến giảm quy mô HS. Riêng giáo viên mầm non về số lượng sẽ tăng từ 1.973 giáo viên từ năm 2015 lên 2.015 giáo viên vào năm 2020.
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của HS Bến Tre
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của toàn tỉnh đạt 98,47%; giảm 0,59% so với năm 2017. Trong đó, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 99,47%, có 15/43 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%. Hệ giáo dục thường xuyên đỗ trên 90%.
Từ năm 2015 đến năm 2018, điểm trung bình 3 môn thi các tổ hợp xét tuyển đại học của tỉnh Bến Tre nhìn chung cao hơn nhiều tỉnh thành và cao hơn điểm bình quân của cả nước. Đây là một trong những minh chứng về chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh và dĩ nhiên là một trong các lợi thế của HS. Tổ hợp C00, D01 thường có điểm trung bình thấp hơn so với tổ hợp A00, A01 và B00.
Bảng 2. Điểm trung bình 3 môn thi kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Bến Tre
Bảng 3. Điểm bình quân 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển của các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2018 (*)
(*) Chưa tính điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực
Về điểm bình quân các môn, nhìn chung, tỉnh Bến Tre luôn cao hơn mức điểm chung của khu vực và cả nước.
Bảng 4. Điểm trung bình các môn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Một điểm cần lưu ý của tuyển sinh năm 2018 là điểm trung bình 3 môn thi càng cao thì cơ hội được xét trúng tuyển vào các trường đại học cũng càng cao. Với mức điểm bình quân theo khối thi, môn thi các năm qua, có thể nói, HS của tỉnh Bến Tre có nhiều cơ hội và lợi thế trong việc chọn bậc học sau THPT. Để gia tăng cơ hội, HS cần xác định những lĩnh vực nghề nghiệp mình yêu thích, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, tham khảo điều kiện tuyển sinh và quyết định dựa trên khả năng của bản thân.
TS. Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bình luận (0)