“Lời chào cao hơn mâm cỗ” – lời răn dạy người xưa đã nói lên tầm quan trọng của lời chào trong giao tiếp, ứng xử giữa mọi người với nhau trong cuộc sống. Trong trường học, lời chào hỏi lại càng có ý nghĩa đặc biệt bởi đó là thể hiện cách sống có văn hóa; cách sống thân thiện, chan hòa, biết đồng cảm, chia sẻ cùng nhau…
Những năm tháng còn làm việc, tôi rất ngạc nhiên là khi về công tác tại cơ sở, các trường (đi thanh tra, dự giờ, làm công tác thi…); khi gặp khách vào trường, chỉ có thầy cô chào hỏi còn học sinh (HS) thì cứ mở to mắt nhìn khách lạ, không nói không rằng rồi cả đám ù té chạy vô lớp! Tôi đem điều này hỏi một vài giáo viên (GV) của trường thì họ đều cho rằng HS ở đây chưa quen chào khách vào trường và các em còn nhút nhát…
Nhưng khi đến một trường lớn nội đô công tác, tôi cũng thấy như vậy; nghĩa là HS chỉ nhìn khách vào trường, kiểu “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, không chào hỏi hoặc lặng im đi ngang, coi như không thấy khách… Rõ ràng vấn đề ở đây không phải là HS nhút nhát, không quen chào hỏi mà do nhà trường chưa quan tâm đúng mức công tác giáo dục HS văn hóa chào hỏi hàng ngày.
Trong nội quy nhà trường đều có quy định việc chào hỏi của HS đối với cán bộ, GV, nhân viên và đối với khách vào trường. Mặt khác, có rất ít trường nào sinh hoạt cho các em về cách chào mà chỉ nói chào một cách chung chung nên các em lúng túng, chưa quen xử lý tình huống. Không cần phải chào to thành tiếng: “Em chào Thầy (Cô) ạ!” mà chỉ cần khẽ cúi đầu, mắt nhìn thẳng về phía khách, miệng mỉm cười là được…
Để HS sử dụng cách chào thuần thục thì GV chủ nhiệm, trong những giờ sinh hoạt lớp; cũng cần làm mẫu cho các em, gọi các em thực hành tại chỗ để uốn nắn, sửa đổi thì rất bổ ích, có tác dụng thiết thực về một kỹ năng sống…
Một khi có khách đến (thầy cô sở, phòng; ban đại diện phụ huynh hoặc khách vào trường trong những dịp lễ…) thấy được HS cúi đầu chào như thế thì khách sẽ rất vui vẻ, hạnh phúc, cảm thấy mình được tôn trọng và thầm cảm ơn nhà trường đã khéo dạy các em.
Hồi tôi học cao học tại ĐH Cần Thơ, có những lần đi chung với các bạn đồng nghiệp chung lớp (ở các tỉnh khác nhau); khi gặp những tốp sinh viên thì từ xa, các em đã khoanh tay cúi đầu chào! Ai cũng ngạc nhiên nhưng tôi giải thích rằng: “Đó là những cựu HS trường tôi – Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai – Sóc Trăng. Các em đậu đại học, vào đây học năm thứ hai, thứ ba nhưng khi gặp thầy cô trường mình, các em đều cúi đầu khoanh tay chào hỏi như vậy!”.
Tôi tự hào về bao thế hệ HS của trường mình, dù ở Cần Thơ hay học ở TP.HCM; khi gặp thầy cô của trường, các em đều lễ phép như vậy! Không phải ngẫu nhiên có được những “quả ngọt” thế này mà chúng tôi phải dày công, phải kiên trì trải qua sự giáo dục văn hóa chào hỏi bao năm trời để tạo nên nếp sống đẹp cho HS thân yêu của mình…
Lê Đức Đồng
(Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT
chuyên Nguyễn Thị Minh Khai – Sóc Trăng)
Bình luận (0)