Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn, hoạt động giáo dục. Khi triển khai thực hiện ở lớp 6, các trường phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.
Đây là lớp học sinh chuẩn bị vào lớp 6, sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2021-2022
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi sở GD-ĐT các địa phương về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Năm học này, các trường sẽ thực hiện đồng thời hai CT GDPT, là chương trình hiện hành (CT GDPT 2006) đối với các lớp từ 7 đến 12 và CT GDPT mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 6.
Lần đầu có hai môn tích hợp
Để triển khai hiệu quả cả hai chương trình, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh CT GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Do đó, khi triển khai thực hiện ở lớp 6, các trường chủ động bố trí thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.
Trong CT GDPT 2018, lớp 6 sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là hai môn tích hợp lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, cùng nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ GD-ĐT đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện.
Cụ thể, với môn lịch sử và địa lý, chương trình môn học này bao gồm 2 phân môn là lịch sử và địa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại.
Việc phân công giáo viên dạy môn học này, Bộ GD-ĐT hướng dẫn, các trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý. Mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn tích hợp lịch sử và địa lý được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lý theo tỉ lệ phù hợp với nội dung, thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Còn với môn khoa học tự nhiên, chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Do đó, kế hoạch dạy học, nhà trường cần xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Về phân công giáo viên, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của trường, hiệu trưởng phân công thầy cô dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn học này ở mỗi học kỳ được thực hiện trong quá trình dạy môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp thực tiễn
Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô.
Kế hoạch dạy học nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học với thực tiễn tại địa phương. Giáo viên dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình bao gồm các nội dung được tổ chức trong và ngoài trường ở những hình thức chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài trường. Cán bộ quản lý, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Mê Tâm
Bình luận (0)