Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phạt tiền: Có phải là biện pháp hay?: Làm tổn thương đạo đức nghề nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi về Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với điều khoản phạt tiền giáo viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm (Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho rằng không nên phạt tiền giáo viên. “Không phạt tiền không phải vì giáo viên không có tiền mà đối với nghề giáo cần cách làm khác hợp lý nhưng vẫn răn đe được thì tốt hơn”, cô Trâm nói.

Cô Trâm phân tích: Không ai cổ súy cho việc giáo viên đánh học sinh, nhưng trên cương vị một người quản lý, chính bản thân tôi cũng cảm thấy nhói lòng, ray rứt khi hình ảnh người thầy bị đem ra xử, soi xét. Xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu người giáo viên cũng cần thay đổi. Giáo viên không thể lúc nào cũng nghĩ mình là trung tâm mà phải tạo tư thế cho học sinh làm trung tâm, phát huy tính mạnh dạn tự tin, tự chủ. Lấy học sinh làm trung tâm nhưng thầy cô vẫn phải là người giúp đỡ và định hướng. Vì vậy người thầy vẫn có vai trò quan trọng nhất định trong dạy học ở nhà trường, trong quá trình hình thành và uốn nắn nhân cách cho học sinh.

Đồng ý rằng, hiện nay đâu đó vẫn xảy ra những trường hợp giáo viên bạo hành đối với học sinh, nhất là với môi trường nhạy cảm như bậc mầm non. Tuy nhiên, đa phần đều xảy ra ở các nhóm trẻ tư thục, do giáo viên ở các nhóm trẻ này dù đã qua đào tạo nhưng kinh nghiệm và kỹ năng nghề chưa cao. Bên cạnh đó do sự quản lý của chủ cơ sở còn lỏng lẻo dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

Nếu quy ra các hình thức vi phạm nhân cách, danh dự của học sinh để phạt tiền giáo viên là vô tình làm tổn thương đến đạo đức nghề nghiệp. Bởi vì đối với nghề giáo, danh dự là trên hết. Nếu đem ra phạt tiền thì danh dự đó bị tổn thương. Thay vì phạt tiền, nên chăng cần tập trung chú trọng trong đào tạo. Đặt mục tiêu đào tạo môn đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu trong đào tạo đặc thù sư phạm. Chọn những giáo sinh thực sự có lòng yêu nghề để hành trang vào nghề của họ sau khi ra trường ít nhất cũng là cái tâm thì khi đó ngành giáo dục không phải loay hoay đưa ra các biện pháp hạn chế các vấn đề tiêu cực kể trên. Mặt khác, nhiều thông tư cũng đã quy định rõ về đạo đức, nhân phẩm nhà giáo cũng như các chế tài cụ thể, nếu đưa thêm điều khoản phạt tiền sẽ thừa và bất hợp lý.

Song song với việc đặt ra mục tiêu đào tạo chọn con người phù hợp, các trường cần có những quy định cụ thể để tăng thêm tính nghiêm khắc, nhắc nhở giáo viên trong suốt quá trình công tác. Cụ thể, đối với Trường Mầm non Bình Minh, đầu năm học cán bộ, giáo viên và nhân viên thực hiện cam kết (bằng chữ viết tay) về việc không bạo hành trẻ dưới mọi hình thức. Nếu ai vi phạm sẽ phải tự động nghỉ việc không cần xem xét. Đây là việc làm thường xuyên được thực hiện ở trường. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên nhắc nhở cũng như nêu gương bằng những việc làm, hành động thân thiện với trẻ. Lâu dần, ý thức của từng cán bộ, giáo viên và nhân viên được hình thành và quán triệt 100%.

Vĩnh Yên (ghi)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)