Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên diễu hành tuyên truyền việc không sử dụng điện thoại khi lái xe

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tại Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, hơn 1.000 sinh viên đã tham gia diễu hành bằng xe máy trên các tuyến đường trung tâm của TP nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về việc không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hành trang an toàn” do ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) và Công ty UPS Việt Nam thực hiện tại 10 trường ĐH trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội.

Sinh viên cùng đổi màn hình nền điện thoại di động với biểu tượng ATGT, đồng thời cùng nhau cam kết không sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường.

Với khẩu hiệu xuyên suốt sự kiện là “Điện thoại hay lái xe? Chỉ một mà thôi!”, sinh viên các trường đã được tham gia các trò chơi an toàn giao thông, văn nghệ và cam kết việc không sử dụng điện thoại khi lái xe thông qua hành động đổi màn hình nền điện thoại di động với biểu tượng an toàn giao thông….

Từ kết quả khảo sát của UBATGTQG đối với 1.543 sinh viên tại 10 trường ĐH nằm trong dự án đưa ra, 82% sinh viên cho biết đã sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Chỉ có 46,6% sinh viên có kiến thức đúng về các hành vi mất tập trung khi lái xe. Và đến 71% sinh viên cho rằng các hành vi mất tập trung khi lái xe là bình thường, ít nguy hiểm hoặc thậm chí không nguy hiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng gấp 4 lần so với thái độ tập trung nếu phương tiện giao thông được điều khiển là ô tô. Con số này tăng cao hơn 20 lần nguy cơ gây tai nạn giao thông nếu phương tiện giao thông là xe gắn máy. Chỉ có 6% người điều khiển phương tiện giao thông có ý thức tấp xe vào lề đường, dừng xe ở vị trí an toàn khi sử dụng điện thoại di động. Theo ông Tường, nguyên nhân các vụ tai nạn chỉ có 10% trường hợp do lỗi kỹ thuật của phương tiện, cơ sở hạ tầng bất cập. Còn lại đến 90% xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện giao thông. Do đó việc xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt đối với đối tượng là công dân trẻ của TP là hết sức quan trọng.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huy Nhật – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, sinh viên là đối tượng có thể góp phần kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông bắt đầu bằng những việc nhỏ như không sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Thói quen hình thành mỗi ngày sẽ trở thành ý thức, từ đó góp phần tuyên truyền đến những người xung quanh.

N. Trinh

 

Bình luận (0)