Các bậc phụ huynh không nên dùng tiền bạc để “hối lộ” con. Phải giúp con biết quý trọng tiền bạc, chi tiêu có kế hoạch vì điều đó sẽ tác động trực tiếp đến nhân cách của trẻ sau này.
Bạn M.A (lớp 12 Trường THPT Hùng Vương) khoe: “Bố mình hứa, nếu năm nay thi đỗ vào Đại học Kinh tế, mình sẽ sở hữu một chiếc xe tay ga mới coóng. Nhưng quan trọng hơn là mỗi tháng sẽ được “viện trợ” 5 triệu đồng, việc sử dụng thế nào thì tùy nghi mình định đoạt…”. Còn bạn Q.L (lớp 9 Trường THCS K.Đ) thì: “Nếu đậu vào lớp 10 trường chuyên, mình sẽ có một chuyến đi nghỉ mát ở Huế. Còn tiền bạc thì ba mẹ hứa cho xài… vô tư”. Chị Kim Mai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là giám đốc một công ty tư nhân về mỹ phẩm. Nghi ngờ chồng mình (vốn thất nghiệp đang ở nhà đưa đón con đi học) đang có tình ý với cô giúp việc nên chị Mai nhờ cậu con trai học lớp 8 “để ý” và theo dõi bố với điều kiện: “Mỗi lần cung cấp thông tin sẽ được thưởng tiền”. Tất tần tật chuyện đi đứng của bố và cô giúp việc ở nhà đều được cậu “con trai cưng” gọi điện thoại cung cấp đầy đủ. Chị Mai chẳng những cho con tiền xài thoải mái mà còn khen con giỏi, con ngoan. Thật ra, giữa chồng chị và cô người làm hoàn toàn trong sáng. Vốn mê game online nên cậu “con trai cưng” của chị nhiều lần tự bịa ra các chuyện khá ly kỳ “tâu” với chị để kiếm tiền chơi game.
Nhiều bậc cha mẹ sai lầm trong cách giáo dục con cái. Một bà mẹ than: “Con gái tôi học lớp 10 rồi mà không muốn động tay động chân đến bất kỳ công việc nhà nào, phòng riêng thì lúc nào cũng bề bộn. Chỉ khi nào tôi dọa sẽ cắt viện trợ thì con gái tôi mới chịu dọn dẹp, lau chùi phòng của nó”. Hay chị Khánh Loan (quận 3 – TP.HCM) cho biết: “Thằng con nhà tôi chỉ chịu học khi tôi hứa cho nó tiền nếu đạt được điểm cao”. Bé Hoàng Quân (quận Gò Vấp – TP.HCM) đã học lớp 2 mà cứ mỗi lần ăn đều phải có mẹ kề bên đút hoặc dụ dỗ cho tiền thì mới chịu ăn. Lâu dần thành thói quen, có những lúc bụng đói cồn cào nhưng Hoàng Quân vẫn cương quyết không chịu ăn, khóc thật to đến khi nào mẹ cho tiền nhét vào túi mới chịu nín rồi ăn.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì trẻ không nên được “trả công” từ những công việc thường nhật cho chính bản thân trẻ hay cho gia đình. Điều này sẽ tạo cho trẻ ấn tượng sai lầm là mọi công việc đều được thưởng bằng tiền bạc. Cần cho trẻ biết rằng, mình học để đạt được kết quả cao ở trường là chính bản thân tự phấn đấu chứ không phải vì cha mẹ hay vì tiền bạc. Những đứa trẻ vốn chỉ lo học vì tiền thưởng bên ngoài sẽ không cảm nhận được niềm vui thực sự của một người đã hoàn tất công việc. Ngay từ lúc còn nhỏ, cha mẹ nên dạy cho trẻ tính tiết kiệm. Ví dụ nên mua cho trẻ một con heo đất. Một con heo đất sẽ biến việc để dành tiền thành một thú vui, cũng như khuyến khích trẻ để dành tiền nuôi heo đất. Lớn lên một chút, nếu có điều kiện, phụ huynh nên mở cho trẻ một sổ tiết kiệm để cất số tiền và cũng để trẻ tự chịu trách nhiệm. Bằng cách đó, có thể giáo dục trẻ có thói quen tiết kiệm suốt đời”.
Cha mẹ trước hết phải là tấm gương của con. Bên cạnh việc tính toán trước khi cho con tiền, cần dạy con bài học tiết kiệm vào các khoản chi tiêu. Bài học đầu đời của trẻ về vấn đề tiền bạc bao giờ cũng bắt đầu từ tấm gương của bố mẹ.
Hoàng Thuận
Bình luận (0)