Với sự đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ về đề án di dời 4.200 hộ dân với hơn 15 ngàn nhân khẩu ra khỏi khu di tích kinh thành Huế là bước đầu mở ra một trang mới cho đời sống của hàng ngàn cư dân nghèo sống “khổ” bên khu di tích này hàng chục năm qua. Đồng thời góp phần bảo vệ, gìn giữ di tích được xếp hạng di sản văn hóa thế giới đảm bảo hơn…
Sống khổ bên rìa di tích
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khu vực kinh thành Huế có diện tích rộng hơn 500ha, bên trong thuộc 4 phường (Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc) và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp (Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử kinh thành Huế từ một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… có nhiều điểm bị nhân dân địa phương tự động xâm lấn để làm nhà ở, canh tác hoa màu. Việc canh tác này không chỉ xảy ra trong Thành nội, trên mặt hào mà ngay trên thượng thành, trong lòng các pháo đài cũng bị khai thác. Đến thời điểm hiện tại, trong các khu vực I, thuộc di tích kinh thành có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống. Đa phần các hộ dân đều nghèo, sống tạm bợ trong các ngôi nhà chật hẹp, thiếu các điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Mặt khác, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực này đều không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích, làm nhà chồ trên mặt nước.
Bà Trần Thị Huệ, 83 tuổi, dựng nhà trên thượng thành, phía đường Xuân 68 (thành phố Huế) cho biết, ngôi nhà này gia đình bà dựng hơn 40 năm qua. Đây là ngôi nhà đúng chuẩn “khó ở”. Bên trong ngôi nhà chỉ rộng đủ kê chiếc giường và góc nhỏ dành để các vật dụng cần thiết một cách lộn xộn. Nhà có tới 4 thành viên sinh sống. Không gian đặc quánh mùi ẩm thấp, khói bếp và hơi nóng hầm hập từ bếp lửa nấu cơm. Bà Huệ nói, cuộc sống khó khăn, nhà nhỏ lại bị dột, nắng thì nóng như nung. Thậm chí nhà vệ sinh cũng phải dành một không gian trong ngôi nhà vốn đã rất chật ấy để che chắn lại. Nhưng bà bảo: “Đi đến chỗ rộng ai không ưng nhưng đi không được, tiền mô mà đi”. Bà bỏ lửng câu nói cùng tiếng thở dài.
Nằm về phía đường Ông Ích Khiêm, nhà ông Võ Hữu Tùng (51 tuổi) cũng không khá hơn là mấy. Mô đất ông Tùng dựng nhà khá cao so với mặt bằng đất nên ông tự chế một chiếc thang để tiện lên xuống đường. Ông Tùng kể, cuộc sống tạm bợ nên hễ nghe bão gió là cả nhà phải chạy đi tìm nơi trú ẩn.
Tín hiệu vui cho di tích và bà con
Quần thể di tích cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia, được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại. Là công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Được quy hoạch xây dựng trong thời gian 30 năm (từ 1803 đến 1832), bao gồm nhiều hạng mục. Mặc dù đã được tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi đồng bộ trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng hư hỏng của kinh thành và các bộ phận được ghi nhận: Vòng tường thành hư hỏng 40%; Trong lòng các pháo đài đều bị chiếm dụng làm nhà ở. Chỉ còn sót lại một số ít các kho đạn được xây dựng bằng vôi vữa; Trên thượng thành và tuyến phòng lộ bị chiếm dụng trồng hoa màu và làm nhà ở… Việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích kinh thành Huế (thuộc quần thể di tích cố đô Huế) nhằm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị di sản và ổn định cuộc sống cho hơn 1,5 vạn dân đang sinh sống tại khu vực I các di tích kinh thành Huế. Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, đặc sắc tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh này.
Cụ thể, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích kinh thành Huế, sẽ di dời hơn 4.200 hộ dân, kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng (đề xuất Trung ương hỗ trợ). Đề án thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022-2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân. Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha ở phường Hương Sơ (thành phố Huế) cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và một số bộ, ngành liên quan, nghe báo cáo về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế vào chiều 24-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo Thủ tướng, việc bảo vệ di tích kinh thành Huế, di sản văn hóa thế giới, là di sản quốc gia đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của Thừa Thiên – Huế.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ngôi nhà tuềnh toàng, nhỏ hẹp của bà Huệ bên rìa di tích
Nước thải từ những ngôi nhà khiến tường kinh thành Huế bị hoen ố vì ô nhiễm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước mắt cần tập trung di dời dân cư trong khu vực I với 2.938 hộ. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, để bà con không phải đi quá xa kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ.
Bình luận (0)