Nhận thấy nhiều học sinh còn yếu kỹ năng mềm như ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm…, cô Phạm Thị Thùy Loan (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã mở lớp bồi dưỡng để truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các em.
Cô Phạm Thị Thùy Loan tương tác với một học sinh trong lớp học kỹ năng
Hơn 3 tháng qua, cứ mỗi cuối tuần, lớp học kỹ năng sống của cô Loan mở ở Trường THCS Nguyễn Huệ lúc nào cũng rộn ràng. Lớp quy tụ học sinh từ nhiều trường trên địa bàn quận, độ tuổi từ 12 đến 18. Khi cô giáo bước vào lớp, những tràng pháo tay chào đón trong tiếng cười vui vẻ. Nguyễn Hải Triều (học sinh Trường THCS Lê Lợi) cho biết cô Loan dạy rất hứng thú, có những điều tưởng chừng rất khó chia sẻ với ba mẹ thì ở lớp em dễ dàng chia sẻ với cô. Qua lớp học này em học được nhiều kỹ năng như tự tin chia sẻ quan điểm trước đám đông, biết làm việc nhóm…
Bước vào năm học 2018-2019, lớp học được mở rộng cho học sinh khối 6 trong trường vào 2 tiết cuối sáng thứ tư hàng tuần. Cô Loan cho biết: “Thông thường thời gian này (2 tiết cuối sáng thứ tư – PV) học sinh được nghỉ nhưng có nhiều em phải đợi đến trưa ba mẹ mới đến đón. Trong khi đó, học sinh còn thiếu kỹ năng sống nên tôi đã hội ý với Ban Giám hiệu và xin ý kiến phụ huynh mở lớp để giúp các em trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức”. Bài giảng của cô Loan xoay quanh các chủ đề giáo dục kỹ năng cơ bản như chống xâm hại tình dục, giao tiếp, quản lý, tình yêu, cảm xúc, làm việc nhóm… Cô luôn truyền cảm hứng, sự tự tin và lắng nghe chia sẻ của học sinh như một người bạn để từ đó tìm cách tháo gỡ những vướng mắc cho các em.
Do hiểu tâm lý từng độ tuổi học sinh nên những bài giảng của cô Loan không bao giờ “đóng khung”; cô luôn nắm bắt tâm tư, xem các em cần gì thì sẽ dạy thứ đó… |
Không phải đến bây giờ cô Loan mới bắt tay vào việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cô Loan kể, hơn 10 năm trước khi còn làm Tổng phụ trách Đội, cô thường xuyên đồng hành với học sinh trong các hoạt động ngoại khóa. Cô từng tham mưu cho nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong giờ chào cờ và lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa. Từ những hoạt động đó, năm 2012, nhà trường thành lập CLB kỹ năng sống Bồ Công Anh để đồng hành cùng các hoạt động Đoàn, Đội. 10 năm làm công tác Đội, ngần ấy thời gian cô nhận thấy nhiều học sinh còn thiếu và yếu các kỹ năng – điều cần thiết bên cạnh kiến thức để một học sinh trưởng thành trong nhân cách, ứng xử và đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Nghĩ vậy, cô bắt tay vạch ra kế hoạch xây dựng các bài học để giúp học sinh. Để làm được điều đó cô kế thừa những kiến thức từ bộ sách Hành trình yêu thương, liên hệ với giảng viên Khoa Tâm lý của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhờ giúp đỡ hay đọc các tài liệu về tâm lý lứa tuổi, tìm dẫn chứng cụ thể trên mạng… nhằm trau dồi thêm kiến thức, tìm ra phương pháp truyền thụ gần gũi, chân thực, dễ hiểu nhất đến học sinh. Và để cho nhiều học sinh không cùng lứa tuổi nắm bắt nội dung, cô luôn tạo ra sự tươi mới trong bài học thông qua ngôn ngữ, cử chỉ để thu hút các em quan tâm. Cô Loan cho biết: “Với trẻ nhỏ, khi dạy về giới tính, tôi phải dùng những từ ngữ dễ hiểu, trong sáng. Còn với học sinh THCS hay THPT, các vấn đề cần được nhìn thẳng, không quanh co, ẩn dụ dù ban đầu các em còn bỡ ngỡ và… ngại, nhưng nếu mình tránh thì các em không thể nắm bắt được”.
Nói về việc làm của mình, cô Loan chia sẻ: “Tôi chỉ góp một chút công sức nhỏ, giúp học sinh rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, đồng thời tránh được những hiểm nguy rình rập…”.
Hàn Giang
Bình luận (0)