Nắm bắt được ưu, nhược điểm của bản thân là gì, chủ động trải nghiệm với những ngành nghề trong thực tiễn, không ngại tham vấn những người xung quanh để tìm ra một ngành nghề phù hợp với bản thân… là những chia sẻ được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức tại hai trường: THPT Ngô Sĩ Liên và THPT Hùng Sơn (tỉnh Kiên Giang).
HS Trường THPT Hùng Sơn (Kiên Giang) quan tâm về ngành ngôn ngữ Anh
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang tổ chức với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)…
Học ngành gì cũng phải cần tiếng Anh
Câu hỏi được học sinh quan tâm nhất trong chương trình là nếu không giỏi ngoại ngữ liệu có thể theo được ngành quản trị kinh doanh, ngành hướng dẫn viên du lịch, ngành marketing hay thậm chí du học hay không?
Theo các chuyên gia tư vấn, ngoại ngữ dù không phải là điều kiện tiên quyết trong mỗi ngành nghề. Không giỏi tiếng Anh, vẫn có thể học được nhiều ngành. Tuy nhiên, để có thể “sống được với nghề và cạnh tranh với nghề”, nếu không có tiếng Anh thì gần như là “rất khó”.
“Giữa nhu cầu thị trường luôn biến động, nhất là trong thời đại công dân toàn cầu, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao thì giỏi tiếng Anh là một lợi thế. Chỉ khi các bạn hiểu được thế giới nói gì thì thế giới mới hiểu được bạn muốn gì, cần gì. Từ đó, cơ hội việc làm mới rộng mở”, ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và sự kiện, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh.
Đánh giá cao vai trò của ngoại ngữ trong “việc học ngày nay”, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, chuyên gia kỹ năng, UEF) cho rằng, chỉ cần có ngoại ngữ trong tay thì các bạn có thể làm được “rất nhiều nghề”. Bởi vậy, theo ông Nguyên, ngoại ngữ không chỉ là một vốn kiến thức mà còn là một kỹ năng hỗ trợ và giúp “thăng hoa” cho tất cả các ngành nghề. “Nếu không chắc chắn mình nên theo ngành học nào, mình mạnh ở đâu và ra trường sẽ theo lĩnh vực nào, các bạn có thể theo ngành ngôn ngữ Anh. Đây là một ngành rất tiềm năng ở hiện tại cũng như trong tương lai. Học ngành này ra trường các em có thể lựa chọn được nhiều ngành nghề”.
HS Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Kiên Giang) tìm hiểu thêm các ngành nghề sau buổi tư vấn
Trước những quan tâm về nhóm ngành dịch vụ của học sinh như quản trị nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên, ThS. Nguyên thông tin, đây là những nhóm ngành trong tương lai sẽ rất phát triển vì nhu cầu con người đang ngày càng gia tăng. Do đó, cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ rất cao. “Để xác định theo ngành, các bạn cần phải có khả năng giao tiếp tốt, linh hoạt trong ngôn ngữ, có khả năng chịu được áp lực. Nhất là phải hiểu được tâm lý con người, biết xử lý linh hoạt trong nhiều tình huống”.
Chọn ngành làm sao để biết hợp với bản thân?
Với nhiều lo ngại của học sinh rằng làm thế nào để biết liệu một ngành nào đó có phù hợp với mình hay không? TS.BS tâm lý Vũ Thiện Toàn cho hay, sai lầm lớn nhất của các bạn trong việc lựa chọn ngành nghề hiện nay trong lựa chọn ngành nghề là chọn trường rồi chọn ngành sau đó mới chọn nghề. Thế nhưng, chính xác phải là chọn nghề rồi mới chọn ngành, chọn trường.
“Các em phải xác định được rằng mình muốn làm nghề gì trong tương lai. Từ đó mới lựa chọn những ngành liên quan đến nghề đó và những trường đào tạo khối ngành đó dựa vào năng lực của bản thân mình”, TS. Toàn bật mí.
Để biết được mình muốn “gắn bó với nghề gì”, theo TS. Toàn, đầu tiên các em phải hiểu ra được ưu, khuyết của bản thân, hiểu được mình mạnh ở lĩnh vực nào. Muốn biết khả năng của mình, các em có thể tham vấn từ những người xung quanh, cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Từ những hiểu biết đó, tìm kiếm thêm những cơ hội được trải nghiệm ở các ngành nghề. “Khi mạnh dạn trải nghiệm các em sẽ biết mình có phù hợp với ngành hay không. Quy trình này sẽ giúp các em “rút ngắn thời gian” phải thích nghi với nghề sau này”.
Yến Hoa
Bình luận (0)