Đổi mới phương pháp dạy học trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề cấp bách ở các trường nghề, nếu không muốn nguồn lao động đã qua đào tạo của Việt Nam khó cạnh tranh với thị trường lao động trong thời hội nhập.
Đổi mới phương pháp dạy học trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề cần làm ngay. Trong ảnh: Giờ học lý thuyết tại một trường nghề
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận sự thay đổi nhanh chóng về khoa học kỹ thuật cũng như hoạt động nghề nghiệp khiến cho việc đào tạo nghề theo truyền thống không còn phù hợp. Trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhiều nước đã xây dựng và áp dụng thành công chương trình đào tạo theo năng lực để người học ra trường làm chủ kiến thức, kỹ thuật đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. “Cho dù dạy theo phương pháp nào thì cũng phải áp dụng công nghệ số, mô hình dạy học kết hợp – đây là cái mà doanh nghiệp cần ở người lao động”, ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) khẳng định mô hình dạy học số gắn với mô hình dạy học kết hợp, mô hình lớp học ảo, học thông qua thiết bị di động… đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với điều kiện công nghệ của Việt Nam hiện nay, các trường nghề không khó để thực hiện phương pháp đào tạo này. Trong khi đó, TS. Nguyễn Hồng Minh (Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: “Hệ thống GDNN đang thực hiện nhiều đổi mới về phương pháp, nhất là ứng dụng kỹ thuật số, CNTT trong dạy học. Đây cũng là một trong những nội dung của đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, để phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều hoạt động ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng số như: Hiện đại hóa hạ tầng CNTT trong hệ thống GDNN sao cho đồng bộ; xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến (với các bài giảng online, offline); xây dựng hệ thống thiết bị mô phỏng, thiết bị thực tế ảo (trước mắt tập trung xây dựng các mô phỏng ở những bài giảng, những ngành nghề có độ trừu tượng cao, hoặc cần có sự luyện tập trên thiết bị mô phỏng trước khi luyện tập trên thiết bị thật); xây dựng các chương trình, giáo trình, học liệu, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động dạy học; đào tạo và chuyển giao công nghệ…”.
“Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối được các cơ sở GDNN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải có những mô hình công nghệ mới trong quản lý và đào tạo. Dạy học trên điện thoại di động gần đây cũng được các đơn vị cung cấp chương trình, giải pháp giới thiệu đến các cơ sở GDNN đối với các môn học chung, học phần, môn học cơ sở…”, ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định. |
Muốn phương pháp dạy học mới ứng với công nghệ số được triển khai rộng rãi, ông Minh yêu cầu các cơ sở GDNN đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học; xây dựng, quản lý các lớp học, các chương trình đào tạo trên mạng internet thông qua các ứng dụng di động; phát triển ứng dụng công nghệ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý…
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết tính đến cuối năm 2017, TP có 1.251 cán bộ quản lý GDNN (dưới ĐH: 71; ĐH: 511; thạc sĩ: 608; tiến sĩ: 61…); đội ngũ nhà giáo có 11.535 người (dưới ĐH: 2.923; ĐH: 5.574; thạc sĩ 3.993; tiến sĩ: 225…). Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ và tin học còn hạn chế, cụ thể: về ngoại ngữ, chỉ có 682 cán bộ quản lý và 6.308 nhà giáo có chứng chỉ quốc gia ABC; 319 cán bộ quản lý và 1.448 nhà giáo có chứng chỉ quốc tế. Riêng về tin học, chỉ có 857 cán bộ quản lý và 7.016 nhà giáo có chứng chỉ quốc gia ABC; 262 cán bộ quản lý và 1.771 nhà giáo có chứng chỉ tin học IC3, tương đương hoặc cao hơn. “Để thay đổi phương pháp giáo dục trong GDNN, trình độ ngoại ngữ và tin học là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Khắc phục tình trạng này, bên cạnh các chương trình bồi dưỡng từ ngân sách, các trường phải chủ động nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý”, ông Lâm yêu cầu.
T.Anh
Bình luận (0)