Báo chí và truyền thông từng là một ngành khá “hot” của một số trường, khi điểm tuyển sinh thường nằm trong nhóm cao nhất của trường đó. Hiện nay, với sự xuống dốc của báo in cũng như sự sắp xếp lại hệ thống báo chí cả nước, ngành này đang có những thử thách nhất định. Dẫu vậy, thử thách lại đi liền với các cơ hội mà những người năng động, nhạy bén sẽ có nhiều điều kiện để phát triển…
Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II tổ chức tọa đàm “Kỹ năng tìm việc” để giúp sinh viên báo chí – truyền thông tìm việc làm sau khi ra trường. Ảnh: VOV
Ở khu vực TP.HCM, chuyên đào tạo về báo chí có 2 trường là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) và Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II. Ngoài ra, một số trường khác có mở ngành truyền thông hoặc một số ngành gần với ngành này như Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Văn Lang… Bên cạnh đó, một số trường khác liên kết để mở các ngành này tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam như Đại học Khoa học Huế (thuộc Đại học Huế), Đại học Công nghệ Miền Đông, Đại học Nam Cần Thơ… Các trường này lâu nay đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo những người làm báo cho các cơ quan báo chí trong khu vực. Nhiều người học các trường này cũng đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở nhiều địa phương.
Hiện nay, một số lĩnh vực báo chí chịu sự tác động không nhỏ của xu hướng truyền thông của thời kỳ công nghệ số. Báo in chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số lượng phát hành sụt giảm nghiêm trọng – các biểu hiện rõ nét nhất là số sạp báo trên đường phố giờ đã giảm nhiều, còn người bán báo dạo thì gần như mất dạng, nghề giao báo tận nơi cũng còn rất ít. Sắp tới, khi triển khai toàn diện Đề án quy hoạch báo chí thì báo in cũng chịu tác động nhiều nhất, khi một số cơ quan báo chí sẽ trở thành ấn phẩm phụ cho cơ quan báo chí khác, tuy thương hiệu không mất đi nhưng ít nhiều sẽ không còn hoạt động như trước đây được nữa. Suy cho cùng, đây là xu thế tất yếu, bởi sự chuyển hướng rõ nét của thị hiếu thông tin, nhu cầu đọc và cách thức đọc đã thay đổi khá sâu sắc trong khoảng hơn 10 năm qua ở nước ta. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng tác động đến tiến trình này.
Phát thanh cũng chịu những tác động không nhỏ. Ngay cả ở nông thôn, số người nghe đài cũng có xu hướng giảm, dù hiện đã có nhiều cách thức nghe chứ không chỉ thông qua radio như trước, như qua điện thoại (gắn tai nghe vừa rõ, vừa đỡ làm phiền người khác), qua app trên điện thoại thông minh hoặc qua trang web trên máy tính bảng, laptop… Bản thân các chương trình phát thanh cũng đã có nhiều cải tiến để tăng thời lượng phát trực tiếp, tăng tính tương tác, tăng tính giải trí của nhiều chương trình… Thế nhưng, có đặc điểm tính hình tuyến (buộc phải nghe trong một khung giờ nhất định và ít có khả năng chủ động lựa chọn, trừ trường hợp nghe trên app hoặc qua website), sự tích hợp hạn chế, phát thanh đang dần ít còn là sự lựa chọn của công chúng báo chí… Rõ ràng, mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ đến nhu cầu và thị hiếu của phần lớn công chúng báo chí. Không chỉ vậy, quảng cáo từ các loại hình báo chí đã chuyển dần sang mạng xã hội, trong đó, quảng cáo trên báo in bị sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều đơn vị, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp, hiện có thể tự thực hiện hoạt động truyền thông (thông qua website, mạng xã hội…) mà không cần nhiều đến báo chí, cũng ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của báo chí.
Tất cả những điều đó đã tác động đến nhu cầu và định hướng học tập của sinh viên ngành báo chí và truyền thông. Các thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ngành báo chí đi làm việc ở các cơ quan báo chí đã giảm dần và tỷ lệ hoạt động trong ngành truyền thông và các công việc có liên quan đang tăng dần lên. Thời gian qua, các trường còn mở thêm các ngành như truyền thông, truyền thông đa phương tiện, quan hệ cộng đồng, kỹ thuật quay phim và dựng phim…, thay vì chủ yếu là học báo chí như trước.
Thử thách lớn nhất của sinh viên ngành báo chí và truyền thông hiện nay có lẽ là phải có tâm thế sẽ không thể hoạt động báo chí. Do nhu cầu lao động ở lĩnh vực báo chí giảm dần nên sự chọn lựa, sàng lọc đầu vào sẽ càng khắt khe hơn. Người học ngành báo chí nếu học tốt tất cả các học phần, đã từng hoạt động tác nghiệp thực tiễn (không chỉ thông qua hoạt động thực tập mà còn việc cộng tác) chỉ mới là điều kiện cần để có thể tham gia hành nghề trong lĩnh vực. Điều kiện đủ có thể là lòng đam mê đủ lớn, sự say sưa với nghề, sức khỏe tốt và dĩ nhiên, có cả sự nhạy bén, năng động nữa. Bên cạnh đó, sinh viên ngành báo chí còn phải chuẩn bị cho mình một hành trang phong phú về kiến thức ở nhiều mặt, chứ không thể vừa làm vừa học. Do đó, ngay khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên phải đọc, học, nghiên cứu về văn hóa, kinh tế, công nghệ, chính trị…, ít nhất có những vốn kiến thức cơ bản, chứ không phải chỉ tập trung học về nghiệp vụ.
Sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông trong một buổi thuyết trình. Ảnh: M.Hải
Nếu chưa thể theo nghề thì các sinh viên báo chí vẫn có thể hoạt động ở các lĩnh vực có liên quan, mà thực tế hiện nay khá phong phú. Đó là các công việc như làm truyền thông cho các cơ quan, doanh nghiệp (có thể hoạt động có tính chất của một phóng viên như lấy tin, viết bài, chụp ảnh… để giới thiệu về hoạt động của địa phương, đơn vị mình trên website, fanpage…); đó là tham gia tổ chức sự kiện (tổ chức các hoạt động truyền thông, họp báo, soạn thông cáo báo chí…); đó là tham gia tổ chức sản xuất chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, hoặc các chương trình để phát trên mạng xã hội (đặc biệt là Youtube); đó là tham gia các công việc liên quan đến hoạt động quan hệ cộng đồng cho các doanh nghiệp, kể cả phụ trách xây dựng các maquette quảng cáo để đăng tải trên báo hoặc trên mạng xã hội; đó là làm người dẫn chương trình, giới thiệu chương trình cho các kênh trên mạng xã hội (nhất là Youtube)… Tuy có sự phong phú về công việc để lựa chọn nhưng dù công việc nào cũng đòi hỏi ở sinh viên ngành báo chí và truyền thông đều không nhỏ. Dường như có một sự “tích hợp” ở nhiều khả năng trong một công việc cụ thể: phải có khả năng viết, chụp ảnh, quay phim, dựng phim, biên tập, đăng tải…, tức là một sự đòi hỏi về tính đa năng trong công việc, điều mà trước đây còn chưa rõ nét lắm. Đây là đòi hỏi không hề dễ dàng đối với những sinh viên chỉ học trong tâm thế “cho qua môn”, bởi thực tiễn công việc sẽ khiến những trường hợp này sớm bị đào thải.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, sinh viên ngành báo chí và truyền thông tuy có nhiều thử thách nhưng lại có nhiều cơ hội để tìm được việc làm phù hợp và phát triển nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, do sự sàng lọc và đào thải khá nhanh và mạnh, bản thân mỗi người phải thực sự nỗ lực mới có thể tìm được việc cũng như trụ được với công việc đó, từ thái độ, ý thức học tập, sự tích cực trong rèn luyện và thực hành, sự chủ động và lăn xả với công việc, hay đòi hỏi cao về kỹ năng phối hợp nhóm, phát huy đồng thời nhiều năng lực… Do đó, bản thân mỗi người khi chọn học ngành này thì phải trong tâm thế nỗ lực cao, tuyệt đối tránh học đối phó, học cho xong khóa…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)