Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gọi xe chữa cháy hoàn toàn miễn phí

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một số trường hợp có nhà hoặc cơ sở bị cháy, nhưng người dân lại không gọi điện thoại đến tổng đài 114 để yêu cầu ứng cứu vì ngại tốn tiền.

Trong những ngày tham gia tác nghiệp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC, chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc khó tin xung quanh “nỗi lo” của người dân khi phải gọi lực lượng chữa cháy lúc sự cố cháy nổ xảy ra.
Gọi xe chữa cháy hoàn toàn miễn phí ảnh 1
Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân chữa cháy tại một khu công nghiệp
Trách hàng xóm vì đã gọi xe chữa cháy
Vợ chồng ông Trung (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM) ngồi xoài trên bậc tam cấp với khuôn mặt buồn rười rượi, mắt hướng về phía 5 chiếc xe chữa cháy, miệng lẩm nhẩm đếm 1, 2, 3, 4, 5 xe… rồi than vãn “Chắc phải tốn cả chục triệu đồng rồi!”. Trong lúc đó, hàng chục người lính cứu hỏa cũng đang thu dọn dụng cụ sau khi dập tắt ngọn lửa. Thật may là hàng xóm ông Trung đã điện thoại ngay đến số 114 khi phát hiện sự cố cháy nên các anh đã đến kịp thời dập tắt đám cháy và ngăn cháy lan qua nhà dân xung quanh. Nhờ vậy mà hậu quả về người đã không xảy ra, tuy nhiên, ngôi nhà của gia đình ông Trung đã bị cháy loang lổ. 
Lẽ ra khi đám cháy được ngăn chặn kịp thời thì phải vui, thế nhưng vợ chồng ông Trung lại buồn và lo lắng vì không có tiền để trả chi phí cho 5 chiếc xe chữa cháy. Thấy chúng tôi đang tác nghiệp, ông Trung kéo tay tôi hỏi nhỏ: “Cô công an ơi, tôi phải trả bao nhiêu tiền?”. Tôi ngạc nhiên: “Sao ông phải trả tiền?”. “Thì trả tiền cho 5 chiếc xe chữa cháy đó cô? Hàng xóm gọi chứ tôi không gọi cô à!”, ông Trung rơm rớm nước mắt nhìn đến xót xa. Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng trả lời ngay: “Hoàn toàn không phải trả chi phí nào hết nha ông”. 
Vợ ông Trung nãy giờ ngồi ủ rũ nhưng vừa nghe tôi nói thì bật dậy, hỏi dồn dập: “Thật hả cô? Vậy mà tôi nghe người ta nói gọi xe chữa cháy là chủ nhà phải trả tiền, nghe đâu mỗi xe mấy triệu đồng chứ không ít. Nhà tôi đã cháy thế này, đồ đạc cũng không còn gì mà còn phải trả tiền cho xe chữa cháy nữa thì vợ chồng tôi không biết lấy đâu ra”. 
Ngày 26-2-2016, trong con hẻm ở đường 14, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, xảy ra vụ cháy nhà dân. Ngay khi phát hiện cháy, một số người đã phá cửa sổ tạt nước vào bên trong, dùng bình chữa cháy xách tay dập lửa và có người nhanh tay bấm điện thoại gọi số 114. Cả chủ nhà và người dân đều nháo nhào tìm mọi cách dập lửa và khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến thì ngọn lửa đã được dập tắt. Bà Hương – chủ nhà – tóc tai bù xù, mặt vẫn còn lấm lem khói than từ đám cháy, chưa kịp mừng vì may mắn dập kịp lửa nhưng khuôn mặt lại buồn bã khi nghĩ đến số tiền phải trả cho xe chữa cháy. Bà cũng nghe người ta bảo mỗi xe chữa cháy phải trả mấy triệu đồng, tính đầu xe để trả tiền. Thế là thay vì cảm ơn lực lượng chữa cháy, bà Hương lại quay sang trách móc hàng xóm đã tự ý gọi điện thoại cho lực lượng 114 để gia đình bà đang khó khăn càng khốn khổ hơn. Thấy bà la giận hàng xóm, chúng tôi cũng bất ngờ!
Trao đổi lại với người dân, chúng tôi mới biết họ nghe những thông tin truyền miệng về việc trả phí cho lực lượng chữa cháy. Đây là thông tin hoàn toàn không chính xác, nhưng đã khiến một số người dân tưởng thật. Chính vì có suy nghĩ trên mà khi xảy ra cháy, người dân không chịu gọi đến số 114 mà tự chữa cháy, dẫn đến hậu quả rất lớn về tài sản.
Gọi xe chữa cháy hoàn toàn miễn phí ảnh 2
Cảnh sát PCCC thực tập phương án cứu nạn tại khu chung cư
Trăn trở của người trong cuộc
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đưa câu chuyện về vợ chồng ông Trung kể cho Thượng tá Đỗ Văn Kháng (Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TPHCM) nghe, giọng anh bỗng chùng xuống. Anh nói, đó là điều mà lực lượng PCCC còn trăn trở. Người dân ít chịu tìm hiểu pháp luật mà thường chỉ nghe truyền miệng nhau, dẫn đến trường hợp đáng lẽ hậu quả để lại không lớn thì lại gây thiệt hại về tài sản và tính mạng. 
Thượng tá Đỗ Văn Kháng khẳng định: “Tất cả chí phí cho công tác tổ chức chữa cháy đều do nhà nước trả, người dân không phải chi trả bất kỳ chi phí nào. Không có chuyện đếm xe chữa cháy rồi thu tiền của dân như tin đồn. Trường hợp lợi dụng lúc người nhà đang hoang mang, có kẻ giả danh lực lượng chữa cháy tới vòi vĩnh, đòi tiền. Gặp trường hợp này, người dân nên gọi báo ngay đến số 114 hoặc cảnh sát khu vực”. 
Thượng tá Đỗ Văn Kháng cho biết thêm, sau khi tổ chức chữa cháy xong thì lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành bảo vệ hiện trường để điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ cháy. Khi có kết luận điều tra, xác định rõ nguyên nhân là do cố ý hay sơ suất, khi đó tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu vi phạm do lỗi cố ý thì sẽ bị xử lý hình sự. Và việc xử phạt đó, đương nhiên người vi phạm phải đóng tiền phạt theo quy định của pháp luật. Đây chính là điều bà con dễ bị hiểu nhầm là gọi xe chữa cháy phải trả chi phí. Chính yếu tố này là nguyên nhân của rất nhiều vụ cháy, dù phát hiện sớm nhưng không chịu báo cháy do lo tốn tiền. Vì vậy, người dân phải tích cực phòng ngừa và khi có sự cố cháy nổ thì phải xử lý ngay ban đầu; đồng thời điện thoại đến số 114 để lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt kịp thời, xử lý đám cháy nhanh nhất.
Nghiêm cấm hành vi báo cháy giả
Tại Trung tâm chỉ huy 114 Công an TPHCM, ngoài những cuộc gọi báo cháy thật sự thì có không ít người gọi đến để trêu đùa. Hành động tưởng chừng như vô hại này đã gây ra tác hại khó lường. Trong khi đường dây nóng 114 đang tiếp nhận cuộc gọi trêu đùa thì ở đâu đó thông tin yêu cầu ứng cứu về chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ của người dân sẽ bị gián đoạn và yêu cầu hỗ trợ sẽ không đến được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dẫn đến báo cháy chậm. Hiệu quả của công tác chữa cháy không chỉ phụ thuộc vào yếu tố địa lý, hay việc có mặt tại hiện trường nhanh hay chậm mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Bởi đối với công tác chữa cháy thì thời gian là yếu tố quyết định của sự thành công. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu sự cố gắng từng giây phút của lực lượng cảnh sát PCCC để đến hiện trường một cách nhanh chóng nhất lại bị nguyên nhân trên cản trở. 
Người dân phải có nhận thức rõ về vấn đề này, không được lấy việc báo cháy cho tổng đài 114 để đùa giỡn. Đây là số báo cháy trong những trường hợp khẩn cấp, phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ, cứu tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Thiết nghĩ, đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM, để công tác chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ đạt hiệu quả cao, không chỉ là công sức của lực lượng PCCC mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ của người dân. Nếu ý thức về công tác PCCC của người dân được nâng lên, công tác phối hợp chữa cháy ban đầu đạt hiệu quả, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về tham gia giao thông được thực hiện nghiêm túc, thì đó mới chính là yếu tố quyết định thành công trong công tác PCCC.
Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, vi phạm quy định về thông tin báo cháy sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng. 
2. Phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định; báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ. 
3. Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy; đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC khi đã có yêu cầu bằng văn bản. 
Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 40, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PHƯƠNG THANH (theo SGGP)

Bình luận (0)