Lựa chọn ngành nghề, ngoài sở thích bản thân còn phải dựa vào năng lực, tài chính, sức khỏe và nhu cầu xã hội. Và để đủ năng lực cạnh tranh thì cần phải có ngoại ngữ, CNTT… Đó là lưu ý được chuyên gia đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức cuối tuần qua tại Trường THPT Trường Chinh (Q.12).
Một thành viên trong ban tư vấn trả lời câu hỏi của học sinh Trường THPT Trường Chinh
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Cân nhắc khi chọn khối ngành công an
Giải đáp thắc mắc của học sinh trong trường về khối ngành công an, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho biết đây là khối ngành có điểm đầu vào rất cao, thậm chí là cao nhất trong tất cả các khối ngành. Do vậy, muốn chọn học khối ngành này các em phải cân nhắc thật kỹ, dựa vào sức học của bản thân.
Bên cạnh đó, do tính đặc thù, khối ngành công an có điều kiện xét tuyển cực kỳ khắt khe, nghiêm ngặt. “Các em phải trải qua một vòng sơ tuyển với các tiêu chí gắt gao từ cân nặng, chiều cao, lý lịch gia đình đến học bạ. Thậm chí, nhiều trường còn yêu cầu thí sinh không được xăm mình. Chỉ khi vượt qua vòng sơ tuyển các em mới được phép đăng ký vào vòng xét tuyển. Và lưu ý là các trường thuộc khối ngành công an chỉ xét nguyện vọng 1, không xét nguyện vọng 2”, ông Nghĩa cho hay.
Với tính đặc thù của ngành, lời khuyên được ông Nghĩa đưa ra cho học sinh có nguyện vọng theo học khối ngành công an là liên hệ trực tiếp với các trường để tìm hiểu thông tin nhằm có hướng học tập phù hợp.
Thích chỉ là một chuyện
Trước băn khoăn của học sinh trong trường về việc nên hay không nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích của bản thân?, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo chia sẻ rằng, mọi lựa chọn để có thể thăng hoa trước tiên đều phải xuất phát từ sở thích cá nhân. Tuy nhiên, thích chỉ là một chuyện còn theo được hay không lại là một chuyện khác, cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác. Một người có thể thích rất nhiều thứ, cũng như có thể thích rất nhiều ngành nghề. Từ những ngành nghề đó, cân nhắc xem năng lực của bản thân phù hợp với ngành nghề nào để lựa chọn. Bên cạnh đó, năng lực về tài chính cũng là điều quan trọng mà các em cần phải tham khảo.
“Ngoài ra, vấn đề sức khỏe cũng là yếu tố hết sức cần thiết khi các em lựa chọn ngành nghề. Thậm chí, ngoại hình cũng góp phần vào việc định hình nghề nghiệp. Nếu các em muốn làm phi công mà không có chiều cao cũng như tài chính không nhiều thì rất khó theo học. Nếu các em muốn học nhiếp ảnh thì phải xác định đây là ngành học rất tốn tiền. Hay đơn giản các em muốn làm diễn viên, ngoài yếu tố năng khiếu thì ngoại hình phải… ưa nhìn”, bà Thảo dẫn chứng.
Quan trọng không kém, theo bà Thảo, đó là nhu cầu thị trường lao động trong 4-5 năm tới. Bởi có nhiều ngành nghề ở thời điểm hiện tại đang rất “hot”, rất được ưa chuộng, khan hiếm nhân lực. Thế nhưng, nếu các em lao vào chọn cho “hợp xu thế” mà không cân nhắc kỹ, đến khi ra trường (5-6 năm tới) có thể các em đã “đi ngược lại” với xu thế, ngành nghề đó đã bão hòa…
Đừng chần chừ trau dồi ngoại ngữ, CNTT
Theo ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH), trong thời “thế giới phẳng”, lao động dịch chuyển như hiện nay, với bất cứ ngành nghề nào, để có một công việc tốt nhất định các em phải trang bị cho mình hai yếu tố là ngoại ngữ và CNTT. “Hai yếu tố này các em phải coi như “hai quai ba lô hành trang” để bước vào đời vậy. Thiếu một trong hai yếu tố, chiếc ba lô hành trang ấy cũng sẽ không được trọng dụng”, ông Đương phân tích. Vì lẽ đó, ông Đương cho rằng việc học ngoại ngữ và trang bị kiến thức về CNTT thì không thể chần chừ. “Học lúc nào cũng vẫn là chưa muộn. Ngay từ bây giờ các em hãy bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch học tiếng Anh và bắt tay vào thực hiện. Riêng CNTT có thể chỉ cần trang bị những kiến thức cơ bản”, ông Đương nói.
Trong khi đó, theo ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận Tuyển sinh, UEF), giỏi ngoại ngữ có thể mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp phong phú từ kinh tế, ngoại thương, dịch thuật, ngoại giao cho đến giảng dạy, truyền thông. “Cách nay khoảng 10 năm, nếu muốn theo học kinh tế thì các em chỉ có thể lựa chọn ngành quản trị kinh doanh. Thế nhưng bây giờ, khi nhu cầu của xã hội đòi hỏi sự phân hóa chuyên sâu hơn, rất nhiều mảng về kinh tế được mở rộng ra liên quan đến kinh tế quốc tế, ngoại giao, sự chuyển dịch lao động… ngày càng lớn. Chính vì vậy, khi “nắm” được ngoại ngữ trong tay, nhất là tiếng Anh là các em đã “nắm” được chìa khóa để mở ra thế giới”, ông Phong nhấn mạnh.
Về câu hỏi lựa chọn CNTT chỉ vì thích khám phá máy tính có được không? ThS. Nguyễn Đình Đương giải đáp rằng, CNTT là một trong những nhóm ngành nghề khan hiếm rất nhiều nhân lực khi trung bình mỗi năm cần tới hơn 24 ngàn nhân sự. Cùng với ngoại ngữ, CNTT như “cánh tay” nối dài để đưa bản thân chạm đến nhiều cơ hội nghề nghiệp. “Thế nhưng để có thể theo được ngành nghề này, trước hết các em phải có tư duy toán học cao, phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khả năng sáng tạo lớn. Và đặc biệt trên cả yêu thích là phải có niềm say mê với những thứ tưởng chừng như vô tri vô giác”, ông Đương chia sẻ.
Quang Long
Bình luận (0)