Ly nhựa, chén nhựa, đĩa nhựa hay muỗng nhựa… là những vật dụng mà chúng ta dễ dàng bắt gặp nhất trong cuộc sống thường ngày, bởi chúng tiện lợi, rẻ tiền. Thế nhưng, không mấy ai quan tâm về tác hại của những vật dụng đó đối với sức khỏe?
Các bạn trẻ “vô tư” ăn uống với dụng cụ bằng nhựa đựng thức ăn, uống
Những dụng cụ bằng nhựa này đa phần xuất hiện tại các quán ăn, quán nước, nhà hàng, siêu thị, thậm chí ngay ở trong nhà của mình. Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần về tác hại của nó nhưng một số người vẫn “nhắm mắt cho qua” vì không có sự lựa chọn.
Sức hút từ đồ nhựa?
Hiện nay, tại Việt Nam, đồ nhựa có sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với người Việt, bởi tính tiện lợi và dễ dàng sản xuất. Bằng chứng là hàng loạt đồ nhựa, với những mẫu mã khác nhau xuất hiện như nấm trên thị trường để phục vụ cho nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh ăn, uống.
Theo thạc sĩ hóa học Lê Duy Hùng – giảng viên Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước thì, nhựa là sản phẩm tổng hợp chủ yếu từ công nghệ hóa dầu nên rất dễ nóng chảy và định khuôn. Vì lẽ này mà việc chế tạo ra những dụng cụ bằng nhựa không hề khó khăn như những thứ khác. Thêm vào đó là đồ nhựa dùng 1 lần có giá thành rẻ hơn đồ sứ, thủy tinh nhiều (ước tính ít nhất 50%). Mà tâm lý của hầu hết chị em là thích đồ rẻ nên chọn dùng đồ nhựa để tiết kiệm chi phí chi tiêu. Vì vậy trong nhà không thể thiếu đồ nhựa là lẽ hiển nhiên.
Ngoài ra, đồ nhựa sẽ vận chuyển dễ dàng, nhất là trong những lúc tổ chức tiệc tùng ngoài trời. Vì khi chơi xong, tất cả đồ nhựa chỉ cần vứt đi mà không phải rửa hay mang về lại mất thời gian và công sức. Chính những tiện lợi đó đã làm cho số đông người bị “mê hoặc” và “cắm đầu” vào sử dụng những đồ dùng như vậy đến nỗi mà nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thì hầu như không mấy ai quan tâm.
Hạn chế sử dụng là tốt nhất
Hiện nay, có rất nhiều vật liệu để chế tạo nên những dụng cụ bằng nhựa như: PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate) HDPE (High Density Polyethylene), V hoặc PVC (PolyVinyl Clorua)… Và để việc sản xuất được thành công, tạo ra được những sản phẩm ưng ý thì người ta bắt buộc phải dùng chất phụ gia, tức là chất dẻo mang tên Phthalat. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hùng: “Phthalat là loại hóa chất tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm. Vì thế, đồ chứa thực phẩm tuyệt đối không được tiếp xúc với nhiệt độ cao, bởi Phthalat ẩn chứa trong vật liệu sẽ theo các vết nứt phát tán vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người như: Làm xáo trộn hoặc phá vỡ nội tiết, khiến trẻ dậy thì trước tuổi và sản phụ bị sẩy thai. Không chỉ vậy, có vật liệu còn tác dụng với thực phẩm. Khi con người sử dụng nhiều sẽ gây nguy cơ ung thư và những chứng bệnh liên quan đến xương, gan vô cùng nguy hiểm, đánh đổi cả mạng sống con người”.
Còn dưới góc nhìn của tiến sĩ hóa thực phẩm Lưu Xuân Cường – giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khi sản xuất những dụng cụ bằng nhựa đúng cam kết, chất liệu sản xuất được đảm bảo, gia công đúng kỹ thuật và người tiêu dùng sử dụng đúng mục đích thì những dụng cụ đó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu nhà sản xuất đi ngược lại để trục lợi thì dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe chúng ta.
Đáng nói, để cạnh tranh lại với những sản phẩm bằng nhựa khác, một số cơ sở còn sẵn sàng hạ thấp giá các đồ nhựa. Một chị bán nước tại Công viên Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) cho biết: “Một ly nhựa chưa đầy 200 đồng. Nếu lấy mối thì cơ sở sẽ bớt nữa cho khách”. Vậy câu hỏi đặt ra là, với giá thành sản phẩm rẻ như vậy thì chất lượng sẽ ra sao? Chưa kể, có những cơ sở hoạt động chui, không có bất kỳ giấy phép cũng ngang nhiên sản xuất và tung ra thị trường, giao các quán nhỏ, lẻ để đựng thực phẩm bán cho khách.
Chị Hà bán nước mía tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Nếu không đựng nước mang đi bằng nhựa thì biết đựng bằng gì? Đây là dụng cụ rất tiện ích, rẻ. Được biết, ly của chị mua mỗi cái chưa được 150 đồng. Việc này đồng nghĩa với 1 chục ly nhựa có giá chưa được 1.500 đồng.
Chúng tôi được biết, một quán ăn ở đường Võ Văn Tần (Q.3) mỗi ngày nơi đây nhập hàng trăm hộp nhựa, hộp xốp và ly. Khi gói thức ăn cho khách, đồ ăn còn nóng hổi họ vẫn bỏ nhanh vào hộp. Có khi hộp bị teo lại vì không chịu nổi sức nóng.
Tiến sĩ hóa thực phẩm Lưu Xuân Cường đưa ra lời khuyên, hiện tại chúng ta không thể phân biệt được vật dụng bằng nhựa dùng 1 lần nào tuân thủ và không tuân thủ theo cam kết. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta nên hạn chế dùng là cách tốt nhất.
Kiều Khánh
Bình luận (0)