PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học VN: Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu về hiện tượng này. Sự vụ 'băng nhóm áo cam' là hồi chuông báo động về một xu hướng rất lạ.
Công an kiểm tra hiện trường vụ “băng nhóm áo cam” đập phá, chém người trong quán Ốc Hương. ẢNH: CTV
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm pháp ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ liều lĩnh, hung hãn. Vì sao?
Lý giải vấn đề này, đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, phân tích có thể xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm, dạy dỗ con cái. Nhà trường chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ. Xã hội biến đổi quá nhanh, sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến một bộ phận giới trẻ rơi vào tình trạng sống “ảo”, tiếp xúc quá sớm và thiếu sự kiểm soát với các trò chơi, truyện, phim bạo lực, thiếu lành mạnh.
Thông tin xấu trên mạng đầu độc giới trẻ
Theo một lãnh đạo C02 Bộ Công an, việc bùng nổ công nghệ thông tin là một thực tế không thể phủ nhận. Lớp trẻ thời nay bị “đầu độc” bởi quá nhiều thứ văn hóa nghe nhìn, giải trí trên mạng có nội dung kích động bạo lực như phim bom tấn, trò chơi trực tuyến, chương trình có nội dung bạo lực tràn ngập; rồi nhiều người tự xưng “giang hồ mạng” cũng đưa lên những clip bạo lực khiến giới trẻ thần tượng như Đường “Nhuệ”, Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”… là ví dụ điển hình.
Nếu không ngăn chặn, hiện tượng này có thể lan rộng ra nhiều địa phương trở thành một trào lưu rất nguy hiểm, giống như hiện tượng “giang hồ mạng” Khá “bảnh” năm 2019
PGS-TS Trịnh Hòa Bình
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học VN, nhìn nhận hiện tượng côn đồ “nhí” có một phần chịu ảnh hưởng từ những “giang hồ mạng”, nhưng mức độ nguy hiểm của côn đồ “nhí” còn lớn hơn rất nhiều. Theo ông Bình, “giang hồ mạng” có thể chỉ là những kẻ thích thể hiện, tức khí bắt chước để giương oai, kiếm tiền từ lượng người theo dõi trên YouTube và nếu bắt nạt, họ thường chọn kẻ yếu. Nhưng côn đồ “nhí” không chỉ làm cho oai, làm cho được mà là những băng nhóm có tổ chức và hành động có tính toán chứ không phải tự phát. Những hình ảnh băng nhóm tội phạm tập hợp, đánh nhau tưởng như chỉ thấy trên phim ảnh thì nay đã xuất hiện trên đường phố khiến người dân vô cùng bất an.
“Đây không phải là câu chuyện bọn trẻ hiếu kỳ tụ tập với nhau làm chuyện khác đời mà là một xu hướng lệch chuẩn. Rõ ràng, những đối tượng này hoạt động có tổ chức, sắm đồng phục để nhận diện, lựa chọn hung khí tiêu biểu, ngang tàng diễu võ giương oai trên đường. Trong khi đó, hình ảnh của các nhà chức trách địa phương rất mờ nhạt. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm những kẻ coi thường pháp luật và gây mất trật tự, nguy hiểm cho xã hội”, ông Bình nói. Theo ông, côn đồ “nhí” xuất hiện không phải vì nhàn cư, cũng không chỉ là câu chuyện thiếu sân chơi, mà nhóm đối tượng này muốn hình thành một cái gì đó, kiểu như anh hùng hảo hớn, tổ chức theo kiểu cái bang, băng đảng… chứ không phải là tình cờ gây rối trật tự xã hội. Việc các em tập hợp lực lượng đông đảo lên tới cả trăm người, chọn ra màu áo, vũ khí tượng trưng… chứng minh điều này.
Nói về thực tiễn các sự vụ xảy ra trên địa bàn TP.HCM, một kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM (nhiều năm theo dõi các vụ án hình sự) cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp xúc với công nghệ thông qua mạng xã hội như Facebook, YouTube hay các phần mềm game online từ rất sớm. Việc tiếp cận quá nhiều các nguồn thông tin có khi là không lành mạnh từ internet khiến các em có những biến đổi khá nghiêm trọng về tâm sinh lý. Khi tâm sinh lý và nhân cách còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động và bắt chước từ mạng ra môi trường sống. Cũng theo vị này, điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên chỉ khu biệt ở nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thì nay ở tội danh nào cũng có sự “góp mặt” của trẻ vị thành niên. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ở mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt thật sự đáng lo ngại cho toàn xã hội.
Không để trở thành trào lưu
TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng côn đồ “nhí” là sự phát triển tiếp theo của các băng đảng, băng nhóm tội phạm vốn đã tồn tại từ trước, nhưng câu chuyện đáng suy nghĩ ở đây là các băng nhóm côn đồ ngày càng mở rộng, ngày càng trẻ hóa, mức độ nguy hiểm, mức độ tinh vi và mức độ tổ chức…
Băng nhóm mặc áo cam xông vào quán Ốc Hương (Q.Bình Tân, TP.HCM) đập phá, chém người. ẢNH: CẮT TỪ CLIP
“Trước đây, băng nhóm số lượng không nhiều, hành động của băng nhóm thường bộc phát, dựa trên yếu tố cảm xúc. Chẳng hạn, một thành viên của băng nhóm bị đánh sẽ lôi kéo bạn bè, đồng bọn đến để dằn mặt đối phương. Nhưng dấu hiệu gần đây cho thấy, các băng nhóm tội phạm hung hăng, có tổ chức, có sự phối hợp, chỉ đạo của một tên cầm đầu. Rõ ràng, sự phát triển băng nhóm đã bước thêm một bước tiến mới, có kế hoạch, có mục đích rõ ràng”, TS Hà nói. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo TS Hà, chính là việc kiểm soát con em trong gia đình và giáo dục lối sống nhà trường đang “có vấn đề”. Thanh thiếu niên không lựa chọn cái tốt, không lựa chọn ra cái hay để định hướng mà lựa chọn xu hướng lệch chuẩn, chống đối lại xã hội.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những nhóm thanh thiếu niên nếu dành nhiều thời gian chơi game, xem phim bạo lực sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến xu hướng, hành vi, tương tự cách ứng xử của họ trên game. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi của côn đồ “nhí” bị ảnh hưởng của thế giới “ảo” từ phim ảnh bạo lực, game… Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là do tâm lý, lối sống thích thể hiện, thích được bộc lộ, thích được tham gia các nhóm mà ở đó được tôn trọng, thừa nhận, kích động bởi những cảm xúc của tuổi mới lớn khiến cho các bạn trẻ rất dễ manh động”, TS Hà lý giải.
Bên cạnh đó, TS Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) nêu ý kiến, mạng xã hội, truyền thông không nên đăng tải thông tin mô tả chi tiết về hành vi trong các vụ án giết người tàn bạo, man rợ. Khi các vụ trọng án giết người xảy ra, vì mục đích câu view, không ít bài báo đã thêm bớt, thậm chí thêu dệt những tình tiết ly kỳ, thiếu tính xác thực… không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực, phản tác dụng tuyên truyền mà còn ảnh hưởng đến công tác điều tra vụ án.
Băng nhóm mặc áo cam
Ví dụ như vụ thảm sát ở Bình Phước, nhiều nội dung tin, bài trên mạng mô tả hành vi phạm tội của hung thủ nhằm tăng tính ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, tiến sĩ Báu cho rằng, dù biết chính xác tình tiết của vụ án cũng không nên mô tả chi tiết và cần phải giới hạn phạm vi phổ biến thông tin để tránh phản tác dụng tuyên truyền. Tiến sĩ Báu nhấn mạnh, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho con trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải quan tâm giáo dục giá trị sống cho các thế hệ, góp phần hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách cá nhân, trang bị kỹ năng sống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có các kỹ năng điều chỉnh, kiềm chế nhu cầu, hứng thú, cảm xúc tiêu cực…; từ đó triệt tiêu động cơ hoạt động phạm tội ở bản thân.
Qua vụ 200 đối tượng “băng nhóm áo cam” xông vào quán Ốc Hương (Q.Bình Tân, TP.HCM) tối 5.6, PGS-TS Trịnh Hòa Bình cảnh báo: “Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu về hiện tượng này. Sự vụ “băng nhóm áo cam” là hồi chuông báo động về một xu hướng rất lạ. Không phải là câu chuyện nảy sinh từ mâu thuẫn của một, hai hay nhiều thanh niên mà nghiêm trọng hơn là tội phạm tập hợp có quy mô theo tổ chức, sở thích uy hiếp xã hội, tấn công chống lại cái tốt đẹp của xã hội. Nếu không ngăn chặn, hiện tượng này có thể lan rộng ra nhiều địa phương trở thành một trào lưu rất nguy hiểm, giống như hiện tượng “giang hồ mạng” Khá “bảnh” năm 2019”.
Theo TNO
Bình luận (0)