Minh Tân – Tấn Phát: Tác giả của mô hình Nhà hàng “Không gian sử Việt” đã đạt giải nhì giải Tài năng Lương Văn Can
Bắt đầu từ chính những “trải nghiệm khô khan” khi học môn lịch sử ở trường phổ thông, hai bạn Đoàn Minh Tân và Nguyễn Tấn Phát (hiện đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH) đã phát triển thành một dự án startup thú vị: mô hình Nhà hàng “Không gian sử Việt”.
Đây cũng là dự án vừa đạt giải nhì tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can với hơn 1.400 đề tài dự thi từ cộng đồng khởi nghiệp cả nước, và là một trong hai giải thưởng của sinh viên HUTECH tại mùa giải Lương Văn Can năm nay.
Lời “tự thú” của chàng sinh viên… không giỏi sử!
“Làm gì đó để lịch sử bớt… khô” chính là lý do lớn nhất khiến Minh Tân – Tấn Phát quyết tâm chọn “Không gian sử Việt” làm đề tài khởi nghiệp. Minh Tân thành thật chia sẻ: “Lúc học phổ thông mình rất dở và rất sợ môn sử, hầu như là không nhớ gì nổi về những con số, địa danh… liệt kê trong sách. Còn Phát thì khá là giỏi sử nên mình hay phải hỏi Phát. Nhiều lần đi hỏi như vậy nên hai đứa mới nghĩ ra chuyện làm một cái gì đó liên quan đến lịch sử, để cho mình và những sinh viên, học sinh như mình có thể hiểu nhiều hơn về lịch sử Việt Nam một cách nhẹ nhàng, không quá khô khan, áp lực”.
Minh Tân cũng cho biết, hai bạn đã có một thời gian ấp ủ “Không gian sử Việt” khá dài, từ lúc bắt đầu học phần khởi nghiệp – một học phần quan trọng đối với sinh viên quản trị kinh doanh HUTECH. Khi đã có hướng đi cơ bản từ những gì được học, hai cậu sinh viên dành nhiều thời gian đến thư viện ngay tại trường để tìm hiểu các vấn đề liên quan – từ thiết kế không gian, cách phục vụ ở nhà hàng… và đặc biệt là tìm đọc những tài liệu văn hóa – lịch sử như Đông phương học, văn hóa Việt Nam các thời kỳ, Sử Việt – 12 khúc tráng ca… cũng như tham khảo ý kiến từ các thầy cô trong Khoa Quản trị kinh doanh. Đó là xuất phát điểm của những cái tên như rượu Sát Thát, nem công chả phượng, thịt chằn tinh… – điểm nhấn ấn tượng của “Không gian sử Việt” trước những quán Tây hay quán Nhật, quán Hàn… phổ biến hiện nay.
Hành trình học hỏi
Khởi nghiệp từ trên giảng đường là hoài bão của rất nhiều sinh viên hiện nay. Thực tế cho thấy các bạn thường không thiếu ý tưởng, mà thường gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch thực hóa ý tưởng của mình. Khởi nghiệp là quá trình học hỏi. Như với Minh Tân và Tấn Phát, đó là học hỏi từ thầy cô giảng viên ở Khoa Quản trị kinh doanh, từ bạn bè, từ Mentor Phạm Bảo Giang… trong quá trình dự thi. “Bọn mình cũng nhận ra một điều là mình không phải nhà thông thái, không thể biết và làm hết mọi việc. “Nội lực” từ chính bản thân rất quan trọng nhưng cũng không thể thiếu “ngoại lực” từ môi trường xung quanh”.
Chính vì vậy, một môi trường khởi nghiệp là điều hết sức cần thiết cho người trẻ – mà giảng đường đại học hiện đại rất nên là một “vườn ươm” như thế. Chẳng hạn, nơi Tấn Phát và Minh Tân đang học với mô hình Đại học – Doanh nghiệp được đánh giá là mô hình khá hiệu quả: chương trình đào tạo thực tiễn, tăng cường trải nghiệm; sinh viên đã được tiếp cận với thực tế – học cách phát hiện và đánh giá vấn đề, cách vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn thông qua thực tế, mô phỏng, lập dự án. Được biết, tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018, không chỉ “Không gian sử Việt” của Minh Tân – Tấn Phát, HUTECH còn có đề tài “Trà búp thanh long Đức Thuận” của nhóm sinh viên Trần Lê Mỹ Quỳnh – Trương Hoàng Phúc – Mã Phú Cường giành giải ba, qua đó lập cú đúp ấn tượng tại giải thưởng uy tín này.
Một môi trường ĐH năng động, hiện đại để phát triển toàn diện cũng là điều mà HUTECH chú trọng xây dựng. “Giải pháp” của trường là tạo nhiều sân chơi ngoại khóa thú vị dành cho sinh viên – “giảng đường mở” để sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức, kỹ năng quản lý công việc, tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết… Giống như Tấn Phát và Minh Tân, một “cố vấn chuyên môn” ít nói và một “nhà ngoại giao” với khả năng thuyết trình ấn tượng, góp phần không nhỏ giúp nhóm giành thêm giải “Nhóm làm việc hiệu quả nhất” tại Giải thưởng Lương Văn Can.
Có được bước chạy đà thuận lợi từ giải nhì Lương Văn Can nhưng khi nhìn lại quãng thời gian dự thi của mình, hai thành viên của “Không gian sử Việt” đều chia sẻ: “Với mình đây không phải là chiến thắng của bất kỳ đội nào, mà là chiến thắng chung của một tập thể Lương Văn Can – nơi mọi người đã đoàn kết, đem tất cả những kiến thức, kỹ năng, nhiệt huyết để cùng nhau đi đến đích, tạo nên một sân chơi bổ ích dành cho sinh viên cả ba miền đất nước. Vì muốn đi xa thì tốt nhất vẫn là đi cùng nhau”.
T.B
Bình luận (0)