Nghề trồng hoa Tết truyền thống ở vùng ngoại ô trên đất Sài Gòn – Gia Định nói chung và ở phường Thới An (quận 12) nói riêng có từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước. Hễ Tết đến xuân về là người người nhà nhà trong xóm làng đều trồng hoa thưởng ngoạn và bán Tết. Trong nhiều năm qua, trước sức ép của đô thị hóa, người nông dân trồng hoa ở đây bán đất đi nơi khác; có người thì giữ lại những khoảnh vườn nhỏ hẹp để duy trì nghề truyền thống này. Nhiều nông dân khác thì tìm thuê đất để có thể tiếp tục với nghề trồng hoa truyền thống bán Tết…
Anh Phạm Minh Tâm đang chăm sóc vườn hoa mào gà chờ bán Tết
Phấn khởi với nghề hoa
Nghề hoa Tết tại phường Thới An có hơn 40 năm nay, nhưng rộ lên trong gần chục năm qua khi các chủ đầu tư dự án bất động sản ở khu phố 5 của phường cho người dân mượn đất trồng hoa miễn phí. Doanh nghiệp được lợi là đất đai được san bằng phẳng, sạch cỏ, còn các hộ dân không tốn phí thuê đất, mà lại có lợi nhuận để chăm lo cho một cái Tết đủ đầy. Anh Phạm Minh Tâm, chủ vườn hoa trong khu vực đất có diện tích 15ha của dự án Bất động sản Gia Định cho biết, do bên Hà Đô đã xây dựng khu đô thị nên các hộ dân tập trung trồng hoa ở đây. Dự kiến mùa Tết năm nay, vườn của anh và những hộ dân lân cận sẽ cung ứng cho thị trường hoa Tết khoảng gần 200 ngàn chậu hoa. Trong đó có 60 ngàn chậu hoa mào gà, 60 ngàn chậu hoa cúc vàng, 15 ngàn chậu hướng dương, 600 chậu cát tường và hàng trăm giỏ hoa Tết truyền thống của người dân Sài Gòn – Gia Định như vạn thọ, dừa cạn, hướng dương, cúc các loại… Theo anh Tâm, nhằm tạo điều kiện cho người dân trong canh tác, Hội Nông dân của phường đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa, đồng thời hỗ trợ đầu ra bằng cách giúp dân đăng ký chợ hoa Tết.
Bà Phạm Thị Dung đang lặt nụ cho hoa cúc vàng để hoa Tết đạt chất lượng tốt nhất
Với thâm niên trồng hoa Tết gần chục năm qua, bà Phạm Thị Dung cho biết, để hoa đạt chất lượng tốt nhằm đảm bảo cho uy tín nguồn hoa Tết của thành phố, các hộ dân đã chọn giống rất kỹ lưỡng bằng cách đặt mua hạt giống tốt, sau đó về trồng thử nghiệm rồi mới chọn ra loại tốt nhất để canh tác. Từ nguồn nước tưới thuận tiện qua nguồn giếng khoan ngay tại vườn, mỗi ngày gia đình bà Dung và các chủ vườn đã tích cực chăm bón, phân thuốc cho cây từ sáng sớm tới 23 giờ khuya. Chẳng hạn với hoa cúc, người trồng phải dày dặn kinh nghiệm mới có thể canh tác tốt, vì loại này bón dư phân sẽ làm cây chết, ngược lại thiếu phân sẽ khiến cây chậm phát triển. Chưa kể, người trồng phải lặt 4-5 lần nụ để nuôi các nụ cái nhằm giúp hoa đạt chất lượng tốt nhất. “Mỗi đợt thu hoạch thuận lợi cho thu nhập 70-80 triệu đồng, nên nhà nào cũng trông vào vụ hoa Tết”, bà Dung chia sẻ.
Tạo việc làm cho người lao động
Trong những ngày này, bất kỳ ai đi qua các vườn hoa Tết ở phường Thới An đều có thể cảm nhận được không khí sôi nổi của chủ vườn lẫn người làm công. Tất bật bón phân cho những chậu hoa mào gà đang đơm bông, anh Nguyễn Thanh Hải (tổ 1, khu phố 4, phường Thới An) cho biết, nghề phụ hồ đang vào lúc nhàn rỗi nên anh đã chuyển sang làm công cho vườn hoa Tết của anh Tâm với mức lương 300 ngàn đồng/ngày. Mức thu nhập này, sau 3 tháng làm công anh Hải sẽ có được 27 triệu đồng. Anh Hải nói: “Làm hoa Tết vui hơn nên năm nào tôi cũng tranh thủ làm công cho vườn hoa để phụ cha mẹ chi phí mua sắm đồ Tết cho gia đình”.
Ông Đỗ Văn Ngọc đang giăng lưới cho những chậu cúc đại đóa để tạo độ đều cho mặt bông
Cũng vào lúc hết việc phụ hồ ở Phú Quốc, ông Huỳnh Văn Sáu (62 tuổi) được người quen giới thiệu lên thành phố làm công trong vườn hoa Tết với mức lương 6 triệu đồng (bao ăn). Giữa cái nắng gắt cuối năm, ông Sáu vừa đẩy xe vận chuyển cây giống, thổ lộ: “Tôi đã già, có người thuê làm việc là tốt rồi. Phụ trồng hoa Tết, phụ bán hoa Tết làm tôi cảm thấy xuân về ấm áp với mình”.
Ông Lâm Văn Chơn (thành viên Hội Nông dân phường Thới An) đề xuất địa phương hỗ trợ tiếp tục duy trì nghề trồng hoa Tết
So với ông Sáu, ông Đỗ Văn Ngọc là người có “kinh nghiệm đầy mình” trong nghề làm hoa vì đã vào nghề và trui luyện từ cái nôi trồng hoa Tết Sa Đéc. Cái tài của ông Ngọc là chăm hoa cúc đại đóa rất giỏi (loại hoa Tết được du nhập và trồng ở Sài Gòn khoảng 10 năm trở lại đây – PV). Không đơn giản như hoa cúc vàng loại nhỏ, các nữ nhân công chỉ cần lặt nụ, thì đối với cúc đại đóa trồng trong bồn lớn, ông Ngọc phải cắt tỉa ngọn từ khi cây còn nhỏ sao cho các ngọn phải đều nhau. Cho đến lúc cây có nụ thì bắt đầu giăng lưới để tạo mặt bông đều đẹp khi bán Tết. Để cho ra những chậu cúc đại đóa cỡ lớn có mặt bông đều đặn, ông Ngọc cần mẫn bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng và kết thúc vào lúc 17 giờ mỗi ngày.
Giữ nghề hoa Tết truyền thống quê hương
Từ người bán đất cho doanh nghiệp bất động sản, trong nhiều năm qua gia đình ông Trịnh Văn Đức (68 tuổi) đã mượn đất trồng hoa Tết “vì tôi già rồi chẳng ai thuê làm gì”. Nghề dạy nghề nên dần dà việc trồng hoa trở thành nghề chính của vợ chồng ông Đức và các con. Tết này, đầu tư gần 2 ngàn chậu hoa dừa nước và cúc vàng, gia đình ông Đức đang huy động nhân lực để hái bỏ lứa hoa dừa nước đang rộ bông để ưu tiên cho lứa nụ hoa đang lớn nhanh. Trước thông tin khoảng 1-2 năm nữa doanh nghiệp sẽ lấy lại đất để xây dựng khu dân cư, vợ chồng ông Đức và các hộ trồng hoa đang tính toán đến việc tìm thuê đất để tiếp tục nghề trồng hoa, nhằm duy trì thu nhập cho gia đình và cũng là giữ nghề hoa Tết cho địa phương. Ông Đức chia sẻ: “Xứ này, nghề trồng hoa Tết có từ những thập niên 70-80 thế kỷ trước. Trước sức ép đô thị hóa, nhiều nông dân bỏ nghề. Còn với chúng tôi, trồng hoa bán Tết là nghề chính của mình mà không duy trì thì cũng tiếc lắm”.
Các vườn hoa Tết đang tất bật vào mùa
Là hộ dân trồng hoa Tết trên đất của gia đình, ông Lâm Văn Chơn (hội viên Hội Nông dân phường Thới An) cho biết, Tết này ông trồng 1 ngàn gốc mào gà và 200 gốc hoa vạn thọ cho đỡ nhớ nghề. Trước đây ông đã trồng hoa Tết trong 20 năm, cung ứng khoảng 5 ngàn chậu hoa các loại mỗi mùa Tết đến. Cách đây 2 năm, ông đã cho thuê đất trồng hoa làm bãi giữ xe với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng hai mùa xuân qua ông vẫn trồng hoa Tết để có không khí tươi vui khi xuân về. Theo ông Chơn, nhờ chính quyền địa phương quan tâm, Hội Nông dân tập huấn kinh nghiệm nên nghề trồng hoa Tết đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân. Hiện nay, trong toàn phường Thới An có khoảng trên 30 hộ trồng hoa Tết. Trước tình trạng đô thị hóa, ông Chơn đề xuất chính quyền địa phương nên có phương án hỗ trợ người dân bằng cách quy hoạch những khu đất chưa sử dụng để nông dân thuê đất trồng hoa. Duy trì nghề trồng hoa Tết, theo ông Chơn là cách giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ghi chép của Vũ Bích Vân
Bình luận (0)