Đây là các ý tưởng, giải pháp đã và đang được ứng dụng có hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn sáng tạo xà phòng giấy giúp rửa tay phòng chống dịch bệnh
Các ý tưởng, giải pháp này đã vào vòng chung kết cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 (I-Star 2020) do Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Hệ thống quản trị trải nghiệm học tập
“MVV Everlearn – Hệ thống quản trị trải nghiệm học tập” của MVV Academy là một trong 10 ý tưởng sáng tạo lọt vào vòng chung kết I-Start 2020. Đây là hệ thống giúp các tổ chức, doanh nghiệp triển khai hoạt động đào tạo & huấn luyện một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và tiết kiệm được chi phí. Hệ thống này được xây dựng trên 3 trụ cột chính là công nghệ, nội dung và dịch vụ. Theo đó, công nghệ gồm hai phần chính: nền tảng học tập và nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp sử dụng và quản trị một cách độc lập, hiệu quả và bảo mật. Phần nội dung là kho bài giảng được đúc kết từ hàng triệu giờ học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ các tập đoàn đa quốc gia, kết hợp với những mô hình tiên tiến trên thế giới. Trụ cột dịch vụ là hệ thống quản trị trực quan, dễ điều khiển và hiệu quả giúp quản trị viên theo dõi chính xác tiến độ của học viên, đi kèm tính năng đặt lịch tư vấn và trao đổi trực tuyến với giảng viên. Đại diện MVV Academy cho biết, hệ thống được xây dựng trên nền tảng đám mây với mô hình “phần mềm dịch vụ SAAS, hỗ trợ trên các nền tảng phổ biến như Web, iOS và Android giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động đào tạo trực tuyến thông qua việc truyền tải nội dung tới người học dễ dàng, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý theo dõi, đánh giá hiệu quả sau đào tạo. Đối với cổng học viên, hệ thống MVV Everlearn lấy người học làm trung tâm, từ đó thiết kế trải nghiệm học tập, giúp thúc đẩy tối đa sự tham gia, tương tác và chú tâm đến nội dung đào tạo. Hệ thống MVV Everlearn 4.0 tích hợp một hệ thống phân tích báo cáo về tài nguyên học tập, báo cáo khoa đào tạo, chương trình đào tạo, bài trắc nghiệm, kỳ thi…
Ứng dụng AI tìm diệt sâu bệnh
Đây là ý tưởng sáng tạo của Công ty CP Công nghệ thông minh MisSmart (TP.HCM). Theo đó, MiSmart sử dụng công nghệ máy bay không người lái (drone) để phát hiện sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. TS. Trần Phi Vũ (đại diện các thành viên nghiên cứu) chia sẻ: Drone của MiSmart được thiết kế bằng sợi carbon fiber cứng hơn 5 lần so với titanium và nhẹ hơn nhôm. Nhờ đó mà drone có khả năng chở được 23 lít nước/thuốc với thiết kế phun sương. Hạt thuốc sẽ làm mịn với kích thước 100nm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 90% và tiết kiệm 99%. TS. Vũ cho biết thêm, drone được thiết kế với chế độ bay phù hợp nhiều loại địa hình như ruộng bằng phẳng, đồi núi và vườn cây ăn trái đáp ứng nhu cầu của nông dân.
MiSmart sử dụng máy bay không người lái để tìm diệt sâu bệnh trên cây trồng
Xuất phát từ thực tế người nông dân thường đi bắt sâu bệnh trên cây trồng nhưng không bao giờ bắt hết được. Vì vậy, họ phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật diệt côn trùng làm cho nông sản dư một lượng thuốc trừ sâu cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và mang lại giá trị thấp cho nông sản. Để góp phần giải quyết vấn đề này, MiSmart đã nghiên cứu công nghệ drone bay trên những cánh đồng chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh, sau đó chính drone sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc. Khi thu hoạch, nông sản được trồng trong khu vực có phun thuốc có thể được đánh dấu và loại ra…
Xà phòng giấy “made in học sinh”
Đó là sản phẩm của một nhóm học sinh lớp 10 và 11 thuộc CLB Robot Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Điểm độc đáo của sản phẩm này là được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà, tiện mang đi và dễ sử dụng. Xà phòng giấy Chartino ra đời với sự hỗ trợ của cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ). Nguyễn Đức Thành (học lớp 11A1, trưởng nhóm dự án) cho hay, ban đầu nhóm hướng đến nghiên cứu và sản xuất xà phòng nước với thành phần gồm: dầu ăn, dầu dừa, cám gạo, đậu phộng kết hợp với dung dịch NaOH (thường được sử dụng để làm xà phòng, chất tẩy rửa, tơ nhân tạo…) và một số hương liệu tự nhiên tạo hương. Tuy nhiên, sản phẩm đầu tay có độ pH quá cao có thể gây hại cho da. Sản phẩm sau thì độ pH thấp, không có khả năng diệt khuẩn. Sau nhiều lần thất bại, nhóm đã cho ra đời sản phẩm đúng tiêu chuẩn và sử dụng được vì độ pH=7. Đây là môi trường trung tính và ức chế vi khuẩn mà không gây hại da tay. Thành công với sản phẩm xà phòng nước nhưng nhận thấy sự bất tiện khi mang đi, nhóm đã quyết định chuyển từ xà phòng nước sang xà phòng giấy. Theo đó, xà phòng giấy được làm khá đơn giản, chỉ cần một miếng giấy mỏng dễ tan trong nước, quét dung dịch xà phòng nước lên giấy, sau xử lý là dùng được.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, Thành bật mí: Sắp tới nhóm sẽ nghiên cứu tạo sản phẩm được tốt hơn, đồng thời đưa đi kiểm định chất lượng và sản xuất dưới dạng giấy cuộn như băng keo. Khi ấy, sẽ ứng dụng than hoạt tính để tạo nên xà phòng…
Website hỗ trợ học sinh – sinh viên tự học
Lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi I-Star 2020 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2020 (WHISE). Trải qua hai năm tổ chức, đến nay I-Star đã khẳng định uy tín của mình trong cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. |
Ý tưởng này của bạn Trần Nhân Nghĩa (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhằm giúp học sinh – sinh viên ôn lại bài cũ, tự học thêm bài mới bất cứ lúc nào, ở đâu thông qua công nghệ thông tin (chuyển công việc giám sát tự học của học sinh – sinh viên sang tự động hóa) với tên gọi “Công cụ trực tuyến giúp học sinh – sinh viên tự học”. Theo Nghĩa, để đảm bảo việc tự học của học sinh – sinh viên, nhà trường phải có kênh giám sát, đánh giá thường xuyên. Tuy nhiên, với phương pháp truyền thống đòi hỏi giáo viên mất nhiều thời gian, công sức để kèm cặp từng người học. Thông qua website: www.nncourses.com, học sinh – sinh viên tự học dễ dàng, không bị mất tập trung, kiểm soát được quỹ thời gian. Bên cạnh đó còn giúp giáo viên quản lý, theo dõi và đánh giá học tập hiệu quả hơn. Cụ thể, trong phần nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp có phân bổ các nhiệm vụ tự học và ràng buộc bởi điểm số, giới hạn thời gian hoàn thành. Tác giả sử dụng nhiều video kèm theo ví dụ minh họa cho bài học thêm sinh động, dễ hiểu. Đặc biệt, tác giả còn lồng ghép các câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra chất lượng đọc hiểu của người học, hệ thống sẽ tự động trả lời đúng, sai và chấm điểm…
Luyện nói tiếng Anh với diễn giả toàn cầu
Đây là dự án do Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng doanh nghiệp xã hội iGen triển khai (với tên gọi Let’s Speak English) giúp sinh viên giao lưu tiếng Anh mà không phải đóng phí. Dự án ra đời trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đến nay, dự án đã tổ chức cho hàng ngàn lượt sinh viên trò chuyện với nhiều speaker toàn cầu và diễn giả uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự án cũng đã được nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Lào… đón nhận.
Trước khi tham gia buổi nói chuyện, sinh viên chuẩn bị nội dung theo chủ đề để cùng chia sẻ. Theo đó, các speaker sẽ dành một giờ/tháng để trò chuyện, luyện tiếng Anh với sinh viên Việt Nam và thế giới với chủ đề xoay quanh đất nước, con người, văn hóa, gia đình…
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)