Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chấm dứt coi âm nhạc, mỹ thuật như môn phụ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21.8, tại hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong các trường học, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh phải nhận thức đúng tầm quan trọng của môn học này, chấm dứt coi đây là 'môn học phụ', dạy đối phó như hiện nay.
Một tiết học môn âm nhạc tại TP.HCM. Theo Bộ GD-ĐT, chỉ 50% trường tiểu học tại TP này có giáo viên nghệ thuật /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Một tiết học môn âm nhạc tại TP.HCM. Theo Bộ GD-ĐT, chỉ 50% trường tiểu học tại TP này có giáo viên nghệ thuật. ĐÀO NGỌC THẠCH
Thiếu giáo viên và giáo viên không đủ chuẩn
Theo Bộ GD-ĐT, đối với cấp tiểu học, nếu mỗi trường có 1 giáo viên (GV) âm nhạc, 1 GV mỹ thuật thì hiện nay còn thiếu 2.199 GV âm nhạc và 2.093 GV mỹ thuật. Những trường tiểu học thiếu GV âm nhạc hoặc GV mỹ thuật thì GV ở trường đó sẽ phải dạy luôn các môn này.
Trên thực tế, số lượng GV chuyên biệt môn âm nhạc và môn mỹ thuật cấp tiểu học hiện nay đang thiếu cục bộ. Hơn nữa, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, hai môn này sẽ được đưa vào là môn tự chọn ở cấp THPT, trong khi đó hơn 2.800 trường THPT trên cả nước hiện chưa hề có GV giảng dạy cả hai môn học này.
Đáng chú ý, theo Bộ GD-ĐT, dù thực tế âm nhạc và mỹ thuật là các môn học bắt buộc đối với cấp tiểu học nhưng chưa có văn bản nào quy định phải là GV có bằng cấp chuyên ngành sư phạm âm nhạc và mỹ thuật mới được dạy. Do đó, hiện nay còn một số địa phương vì hạn chế về chỉ tiêu biên chế nên không tuyển GV đúng chuyên môn, chỉ tuyển GV tiểu học dạy tất cả các môn.
Điều này dẫn tới thực tế năng lực nghệ thuật của GV dạy nghệ thuật ở các trường rất không đồng đều, nhất là đối với các GV tiểu học không học chuyên ngành sư phạm âm nhạc hay mỹ thuật. Do không có năng khiếu nghệ thuật, hoặc năng khiếu nghệ thuật hạn chế, thời lượng học tập môn nghệ thuật ở trường sư phạm ít ỏi và chỉ học về phương pháp dạy học âm nhạc/mỹ thuật, không học về chuyên môn nên các GV tiểu học nói chung khi dạy 2 môn này gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn khả năng thể hiện, thực hành, biểu diễn, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật; khả năng tổ chức hoạt động âm nhạc và mỹ thuật, khả năng sử dụng nhạc cụ, khả năng khơi gợi cảm xúc nghệ thuật cho học sinh. “Đây là vấn đề rất đáng lo ngại khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”, báo cáo của Bộ GD-ĐT chỉ rõ.
Tôi thấy có hiện tượng lệch chuẩn trong chỉ đạo phát triển đội ngũ giáo viên các trường phổ thông, lúc nào cũng chăm chăm phát triển giáo viên môn toán, văn, tiếng Anh…; còn các môn nghệ thuật, kỹ năng làm theo giao khoán, làm cho có
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Thiếu phòng học, thiết bị nhưng lại sử dụng lãng phí
Điều kiện cơ sở vật chất để dạy các môn nghệ thuật cũng là vấn đề rất bức xúc. Hiện nay các trường tiểu học và THCS công lập hầu như chưa có phòng học bộ môn dành riêng cho môn âm nhạc và môn mỹ thuật, do đó, GV dạy các môn này (đặc biệt là môn âm nhạc) rất khó khăn trong tổ chức hoạt động dạy học âm nhạc theo đặc thù của môn học.
Trong khi đó, thiết bị dạy học được sử dụng chưa thật phù hợp, còn ít hiệu quả, lãng phí. Có những nhạc cụ được tài trợ (ví dụ 10.000 cây đàn piano kỹ thuật số do Tập đoàn Booyoung Hàn Quốc tài trợ cho các trường tiểu học VN) hầu hết đều để không, GV rất ít người biết chơi và sử dụng cây đàn này trong dạy học nên không mang lại hiệu quả thiết thực.
Không thể tiếp tục dạy kiểu “rau thơm”
Ông Phùng Xuân Nhạ chỉ ra thực tế là lâu nay giáo dục phổ thông hầu như chỉ chú trọng môn văn hóa trong khi đó những môn học rất cần cho sự phát triển toàn diện của học sinh như nghệ thuật lại không được coi trọng.
Nêu dẫn chứng về “hiện tượng Khá BảnH” thời gian qua được nhiều người trẻ “hâm mộ”, ông Nhạ cho rằng đó là một biểu hiện lệch lạc về nhận thức rất đáng lo ngại mà nếu giới trẻ được giáo dục, trang bị tốt hơn về nhân sinh quan về cảm thụ văn hóa, nghệ thuật hướng tới chân – thiện – mỹ thì sẽ không có hiện tượng như vậy. Nếu chỉ hiểu nghệ thuật đơn giản là mỹ thuật và âm nhạc thì chưa đủ. "Cảm nhận tốt về cái đẹp giúp cho con người ứng xử đẹp hơn giữa các mối quan hệ, tạo môi trường nuôi dưỡng, khích lệ những điều tốt đẹp. Mối quan hệ và văn hóa ứng xử giữa thầy cô với học trò, giữa học trò với nhau chắc chắn sẽ tốt hơn", ông Nhạ nói.
Điều đáng buồn, theo ông Nhạ, đâu đó vẫn coi giáo dục nghệ thuật như là “rau thơm”, chỉ thêm nếm, làm cho có, dẫn tới những tài năng về nghệ thuật bị thui chột khi bị áp lực thi cử, học hành đè lên. Nhận thức đúng về môn học mới dẫn đến việc ứng xử đúng mức với các thầy cô dạy nghệ thuật. “Đối với môn nghệ thuật, cần xác định tính thật đúng, thật đủ có bao nhiêu thầy cô để đề xuất tuyển dụng cho phù hợp. Tôi thấy có hiện tượng lệch chuẩn trong chỉ đạo phát triển đội ngũ GV các trường phổ thông, lúc nào cũng chăm chăm phát triển GV môn toán, văn, tiếng Anh…; còn các môn nghệ thuật, kỹ năng làm theo giao khoán, làm cho có. Thậm chí, giao cho những GV mà không biết bố trí vào đâu dạy nghệ thuật, kỹ năng…”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng cho rằng phải kiên quyết phản đối và chấm dứt tình trạng đối xử với môn nghệ thuật như môn phụ, thậm chí giao cho các thầy cô dạy nghệ thuật nhiều công việc khác không liên quan khiến các thầy cô không chuyên tâm với nghề nghiệp của mình. Chúng ta muốn có đội ngũ GV tốt thì cơ sở đào tạo GV phải tốt. Chương trình đào tạo phải thống nhất, đào tạo GV theo chuẩn chứ không phải mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay, thậm chí hiện nay những trường chất lượng thấp, đầu vào thoáng dễ ra trường. Theo ông Nhạ, chương trình học hiện nay ở các trường phổ thông cũng quá nặng về lý thuyết, dạy những cái “cao siêu” khiến học sinh không hào hứng và không hiểu gì. Thầy cô không quan tâm đến tâm lý lứa tuổi, không cho học sinh thực hành, cảm thụ… rồi lại trách các em “không hiểu gì về nghệ thuật”.
Ông Nhạ nhấn mạnh, cần chấm dứt tình trạng coi môn nghệ thuật là môn phụ. “Tôi quan sát thực tế cho thấy những thầy cô hiệu trưởng có năng lực thực sự thì rất quan tâm phát triển kỹ năng, toàn diện cho học sinh chứ không chỉ chú trọng những môn văn hóa”, ông Nhạ nói.
Giáo viên phải kiêm thêm nhiều việc để đủ định mức quy định
GV âm nhạc và GV mỹ thuật ở các trường tiểu học và THCS hiện nay được hưởng các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo như các GV phổ thông khác. Tuy nhiên, do môn học chỉ có 1 tiết/tuần nên đa số các trường tiểu học và THCS chỉ có 1 GV âm nhạc và 1 GV mỹ thuật. Cùng một năm học, GV dạy nghệ thuật phải chuẩn bị bài giảng ở tất cả các lớp của cấp học nên rất vất vả, khó khăn. Ngoài ra, GV dạy nghệ thuật còn phải kiêm thêm một số công tác khác như: Tổng phụ trách Đội, phục vụ thiết bị dạy học, phụ trách thư viện…, thậm chí dạy thêm các môn học/hoạt động giáo dục khác để đảm bảo đủ định mức giờ làm việc theo quy định…
Chỉ 7 tỉnh có 100% trường tiểu học đủ giáo viên nghệ thuật
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 7 sở GD-ĐT đạt 100% trường tiểu học có GV âm nhạc và GV mỹ thuật, gồm: Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Bình, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Còn lại hầu hết các sở GD-ĐT đạt từ 50 – 99% trường tiểu học có GV âm nhạc và GV mỹ thuật chuyên biệt. Trong đó, còn rất nhiều sở GD-ĐT mới đạt được từ 50 – 69% trường tiểu học có GV hai môn này, nhất là GV mỹ thuật.
Hiện nay còn 11 sở GD-ĐT mới đạt từ 50% trường tiểu học có GV nghệ thuật: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Phú Yên, Thanh Hóa, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La.
Vẫn còn có các sở GD-ĐT chưa đạt 50% trường tiểu học có GV nghệ thuật như Tây Ninh: 33,5%, Bình Thuận: 43,7%, Kon Tum: 36,5%, Bắc Kạn: 48,4%…
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)