Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hết đề tài rồi hay sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Sự việc Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) ra đề thi học sinh giỏi lớp 11 (năm học 2018-2019) với đề tài về hiện tượng mạng “Khá Bảnh” đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Cũng trong thời điểm ấy, có nhiều câu chuyện cảm động như anh Ngô Hà Sinh, anh thanh niên dũng cảm quên mình cứu hai sinh viên đuối nước; chuyện em Vi Quyết Chiến đạp xe hơn 100 cây số từ Sơn La về Hà Nội vì quá nhớ em đang nằm viện. Trên đường đi, nhiều hiểm nguy chực chờ nhưng may mắn em gặp những người tốt giúp đỡ; về đến Hà Nội gặp em, gặp mẹ an toàn…

Chưa hết, những nhà hảo tâm đã đứng ra bán đấu giá chiếc xe đạp “cà tàng” của em, được 103 triệu  đồng cộng với 20 triệu đồng các nhà hảo tâm khác… Toàn bộ số tiền 123 triệu đồng đã được trao cho gia đình em để chữa trị bệnh cho người em của Chiến.

Đó là câu chuyện của một chị Đoàn Thị Hoài, (nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh) đã nhặt được 11 triệu đồng và tìm cách trả lại người đánh rơi. Chị nói về việc làm của mình: “Dù cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả, nhưng trả lại số tiền đó là điều đúng đắn. Có cầm nhiều tiền như vậy thì tôi cũng không yên tâm mà tiêu được!”.

Biết bao nhiêu gương tốt, bao nhiêu việc làm tốt có sức lan tỏa mạnh mẽ xảy ra ở xung quanh chúng ta. Những việc làm tốt, những gương tốt nếu được nhân lên thì cuộc sống sẽ đẹp lên rất nhiều…

Lạ lùng thay, ngành giáo dục, những nhà giáo dạy văn ở Hải Phòng lại mang ra một hình ảnh xấu xí, quái đản của “giang hồ Khá Bảnh” vào đề văn để các em bàn luận, xem xét, cho biết ý kiến, thái độ của mình đối với nhân vật ấy!

Việc ra đề văn bám sát hơi thở cuộc sống, bám sát thực tế cuộc sống không có gì mới lạ! Nhưng bám sát thế nào, góc độ nào và “dư ba” của nó ra sao mới là điều cần bàn. Sẽ có nhiều học sinh sẽ tò mò tìm hiểu với câu hỏi: “Tay Khá Bảnh” này là người như thế nào mà lại “nổi tiếng”?

Vô hình trung việc ra đề trên đã phản tác dụng, tuyên truyền không công cho những kẻ ngổ ngáo; tuyên truyền lối sống hưởng thụ, coi thường phép nước cùng với những việc làm khác đời (đốt xe máy, xăm trổ, phạm pháp…).

Tại sao không ra đề về những việc làm tốt, có ý nghĩa nêu trên? Ở đây, cần có sự cẩn trọng, sự phản biện trong việc ra đề văn mang tính thời sự. Phải rào trước đón sau, những phản ứng của dư luận sẽ như thế nào nếu đề tài này được đưa ra…

Đề thi môn văn, bên cạnh tính khoa học, chính xác cần mang tính sư phạm, tính vừa sức. Đề thi văn của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) rõ ràng không mang tính sư phạm, không mang tính giáo dục!

Trong bối cảnh bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp, việc ra đề về “giang hồ Khá Bảnh” cần được sự rút kinh nghiệm sâu sắc. Bài học này không chỉ riêng Hải Phòng mà cho nhiều đơn vị khác có “truyền thống” ra đề văn bám sát thời sự!

Lê Đức Đồng

 

Bình luận (0)