Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Nỗ lực sáng tạo smartphone toàn màn hình của các hãng di động

Tạp Chí Giáo Dục

Oppo tạo cơ chế trượt tự động, Nubia ứng dụng màn hình thứ hai, Samsung, Huawei theo đuổi kiểu màn hình "đục lỗ" để giải phóng mặt trước của smartphone.
Những chiếc điện thoại "tràn viền" trở thành xu hướng của làng di động trong năm 2017. Sang 2018, trào lưu này tiến thêm một bước khi nhiều nhà sản xuất ra mắt các mẫu smartphone với bốn viền màn hình mỏng gọn. Mỗi mẫu di động lại sở hữu những sáng tạo trong thiết kế, tính năng để dần loại bỏ hoặc cất giấu các thành phần thừa ra khỏi mặt hiển thị như camera selfie, cụm cảm biến…
Cơ chế trượt
Trong 2018, Oppo, Xiaomi và Honor đã mang đến giải pháp ứng dụng cơ chế trượt nhằm cất giấu cụm camera selfie cùng toàn bộ các cảm biến, giải phóng mặt trước khỏi các chi tiết thừa. 
Oppo tiên phong sở hữu vẻ ngoài tối giản, tỷ lệ hiển thị ở mặt trước chiếm đến 93,8%, thuộc top cao nhất thế giới smartphone.
Ở mẫu Mi Mix 3, Xiaomi áp dụng cơ chế trượt thủ công, tức người dùng phải tác dụng lực kéo vào phần thân máy để lộ ra cụm cảm biến. Trong khi đó, Oppo đã sáng tạo ra cơ chế trượt tự động trên smartphone cao cấp Find X. Khi cần sử dụng, cả cụm camera sẽ trượt lên và lộ ra camera trước 25 megapixel, hệ thống nhận diện khuôn mặt 3D cùng camera kép 16 megapixel và 20 pixel ở mặt lưng. 
Bộ phận cơ khí trượt của cụm camera hoạt động rất trơn tru và êm ái, được nâng lên nhờ 41 thanh ốc vít. Trong khi đó, độ bền bỉ còn được hãng khẳng định lên đến 300.000 lần trượt, tương đương trong 5 năm sử dụng với cường độ cao.
Cảm biến vân tay dưới màn hình
Một trong những thành phần khá tiện dụng cho người dùng smartphone là cảm biến vân tay. So với các hình thức nhận diện sinh trắc học khác, vân tay thể hiện tính tiện dụng hơn, dễ dàng thao tác kể cả khi người dùng không trực tiếp nhìn vào màn hình điện thoại. Tuy nhiên, cảm biến lại chiếm diện tích khá lớn khi đặt ở mặt trước hoặc mặt sau của di động.
Do đó, các nhà sản xuất đã chọn cách tích hợp cảm biến vào dưới màn hình hoặc dạng siêu âm. Đơn cử, trong năm 2018, Huawei chọn công nghệ này trên smartphone đầu bảng của mình Huawei Mate 20 Pro. Cảm biến hoạt động nhanh do là loại điện dung đặt phía dưới màn hình thay vì tích hợp sẵn trong tấm nền. Nhờ sự thay đổi này, Mate 20 Pro có mặt trước tối giản, viền dưới mỏng gọn hơn so với "đàn anh" P20 Pro dùng cảm biến vật lý.
"Đục lỗ" màn hình 
Tiếp nối từ kiểu "tai thỏ" trên iPhone, các nhà sản xuất Android đã dần thu nhỏ các rãnh khoét này, tiến dần đến "giọt" nước như Oppo.
Phần rãnh trên Oppo F9 đã được thu hẹp đáng kể để mang đến trải nghiệm hiển thị tối ưu nhất.
Trong năm 2019, Oppo, Samsung hay Huawei được cho sẽ theo đuổi dạng màn hình "nốt ruồi", tức hãng đục lỗ bên trong tấm nền để đặt thành phần camera selfie. Việc đục lỗ này giúp smartphone sở hữu bốn cạnh màn hình liền lạc, không bị gián đoạn bởi phần khoét. 
Màn hình phụ mặt sau
Một ý tưởng độc đáo nữa được hãng điện thoại sử dụng là màn hình ở hai mặt như Nubia X hay Vivo Nex thế hệ thứ hai.
Ảnh mặt trước và mặt sau (phải) được cho là Vivo Nex 2. 
Nubia X có màn hình phía trước chiếm trọn bởi tấm nền Full HD+ lên tới 6,26 inch. Máy không có camera trước. Thay vào đó, nếu muốn chụp ảnh selfie hay đàm thoại video, người dùng sử dụng camera phía sau cùng một màn hình phụ kích thước 5,1 inch và độ phân giải HD+.
Bảo An (theo vnexpress)

Bình luận (0)