Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô hiệu phó với “nghề tay trái”… làm thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyn Th Nguyt Thu gii thiu tp thơ “Hoa mưa hoa nng”

“Lạ chưa mưa Tết/ Mưa vui rất vui/ Người người sụt sùi/ Mưa cười nắc nẻ”, những lời ca du dương, trong trẻo trong bài Mưa Tết được đội văn nghệ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) cất lên làm rộn rã cả sân trường. Ít ai ngờ, tác giả của những lời ca đậm chất “nghệ” ấy là cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu (Phó Hiệu trưởng nhà trường).

Chất “nghệ” ấy được cô Thu vun vén suốt 2 năm nay, gói ghém trong tập thơ thiếu nhi “Hoa mưa hoa nắng”. Với 68 bài thơ, mỗi bài thơ đều là những cảm xúc bất chợt được cô Thu gom góp từ chính ngôi trường mình đang công tác. Là cây bàng già lặng lẽ góc sân trường; là mùa bông phượng nở như cánh bướm; là cơn mưa đầu mùa bất chợt; là giàn mướp, giàn bí, cây khế… mướt xanh trong vườn trường. Nhìn ngắm học sinh của mình vui chơi, học tập… cũng tạo ra những vần thơ reo vui trong bài: Giờ tập thể dục; Nét chữ; Chơi lò cò…

Ở “Hoa mưa hoa nắng” không đơn thuần chỉ là cảm xúc. Đó còn là những bài học nhỏ mà người giáo viên ấy khéo léo gửi gắm đến học sinh của mình qua những vần thơ nhẹ nhàng mà hóm hỉnh. “Đừng vội nhìn bề ngoài/ Mà khen chê xấu tốt/ Bạn bè luôn quan tâm/ Mới là người bạn tốt” (Bài học quý) hay lời nhắn nhủ“Sống vì mọi người cuộc sống sẽ nở hoa” (Cô giáo em)…

“Bất kể lúc nào, chỉ cần cảm xúc đến là mình ngồi viết. Khi bắt gặp chú chim cu gáy bình yên trong sân trường, khi nhìn học sinh mình vui chơi, học tập hay ngay cả ngắm nhìn những cô giáo thực tập sinh lại nhớ về những ngày đầu công tác… Với mình, người giáo viên dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải nuôi dưỡng được cảm xúc, tình yêu người, yêu đời. Bởi cảm xúc là thứ dễ dàng truyền đạt nhất, từ đó mới giúp học sinh hình thành nên nhân cách”, cô Thu trải lòng.

Chính sự trong trẻo, hồn nhiên trong lời thơ mà nhiều bài trong “Hoa mưa hoa nắng” đã được giáo viên trong trường và cả trường bạn đưa vào giờ dạy tiếng Việt, được học sinh và phụ huynh vô cùng thích thú. Nhiều bài thơ như Mưa Tết, Cánh diều tuổi thơ… còn được giáo viên âm nhạc trong trường phổ nhạc để dạy học sinh.

“Cảm xúc không phải kiếm tìm ở đâu xa, mà ở ngay sân trường mình, với học sinh mình. Cảm xúc không phải là thứ hoang phí với người giáo viên mà ngược lại, đó lại là cầu nối gắn kết giữa thầy và trò, làm thăng hoa chính nghề của mình”, cô Thu bày tỏ.

Yến Hoa

Bình luận (0)