Nếu nhìn vào con số sẽ thấy việc nhập khẩu rau quả của chúng ta hiện nay là một nghịch lý lớn.
VN chủ yếu trồng rau ăn lá, chưa đầu tư nhiều rau ăn củ. Ảnh: Ngọc Dương
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận định: Tính theo sản lượng, mức tiêu thụ rau trung bình của thế giới khoảng 90 kg/người/năm; ở VN con số này hiện lên tới 140 kg/người/năm và thậm chí sắp đạt ngưỡng 160 kg.
Nếu nhìn vào con số sẽ thấy việc nhập khẩu rau quả của chúng ta hiện nay là một nghịch lý lớn.
GS Bửu phân tích: Nghịch lý này tồn tại nhiều năm qua vì nhiều lý do. Thứ nhất phải thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng rau quả của chúng ta có vấn đề. Đó là lý do kim ngạch nhập khẩu ngày một tăng, liên tục nhiều năm qua. Các hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ quan ngoại giao và những người giàu chuyển sang sử dụng rau nhập khẩu từ Thái Lan, Úc, thậm chí là các nước Âu Mỹ. Các loại rau này chủ yếu nhập bằng đường hàng không, chi phí cao nên kim ngạch lớn nhưng thực tế khối lượng không nhiều.
Nghịch lý thứ hai là chúng ta thừa nhưng lại thiếu. Cụ thể, có nhiều loại rau ăn lá chúng ta thừa nhưng nhiều loại củ như khoai tây, cà rốt, và đặc biệt là nấm lại thiếu. Nấm là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu lớn nhưng khả năng cung ứng của chúng ta rất hạn chế.
"Tôi có tìm hiểu ở những vùng trồng nấm trọng điểm ở miền Nam. Thực tế khả năng sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thị trường, phần lớn họ nhập từ Trung Quốc về đóng gói bán. Hiện tại ngành này ở VN chưa phát triển, giá thành sản xuất còn rất cao so với Trung Quốc. Đó cũng là lý do vì sao người ta không sản xuất mà nhập khẩu. Những năm trước khi có dịp sang Vân Nam (Trung Quốc), chỉ một huyện nhỏ của họ mỗi năm xuất khẩu nấm đạt giá trị 300 – 400 triệu USD",
GS Bửu chỉ rõ. Vấn đề thứ ba là chúng ta không có khâu bảo quản sau thu hoạch. Rau là loại sản phẩm rất nhanh hư nếu không có công nghệ bảo quản. Nhu cầu tiêu thụ rau tươi thực sự rất lớn nhưng chúng ta không bảo quản được sau vận chuyển và đưa ra thị trường, xuất khẩu. Để làm được điều này phải có doanh nghiệp lớn đầu tư vào kèm theo là xây dựng hệ thống phân phối. Đây là hai khâu yếu nhất của ngành rau quả VN.
Để có doanh nghiệp đầu tư vào, vấn đề lại là chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất. Đó là một vòng luẩn quẩn mà nhiều năm qua chúng ta chưa thoát ra được. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng phát triển lĩnh vực này và đổ vốn vào. Tuy nhiên, phần lớn quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ; doanh nghiệp lại hạn chế về vốn, đất đai và thị trường nên kết quả đến thời điểm này là chưa đáng kể.
Đầu tư vào ngành rau quả không chỉ để giải quyết nghịch lý trong nước mà hướng đến thị trường thế giới, một thị trường ước tính có dung lượng đến 200 – 300 tỉ USD trong vài năm tới. Nếu chúng ta không kịp thay đổi hay chuyển đổi thì trong tương lai rất gần, các mặt hàng rau củ chất lượng cao giá rẻ sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa giống như nhiều loại trái cây nhập giá rẻ hiện nay.
Chí Nhân/TNO
Bình luận (0)