Sự bùng nổ thông tin như hiện nay, truyền thông đang đem đến cho chúng ta góc nhìn đa chiều, với tốc độ lan tỏa rất nhanh, đòi hỏi người tiếp nhận phải chọn lọc thông tin một cách hiệu quả.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trong một tiết học chuyên đề
Từ một cái quần, cái áo mới mua, hay đến tâm trạng vui buồn cũng thành đề tài bàn tán của cư dân mạng. Những xung đột giữa thầy và trò, giữa giáo viên và phụ huynh… đang được khai thác và trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. Câu chuyện buồn của giáo dục làm nhói lòng biết bao kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm chèo đò đến bến bờ tri thức. Những nhà giáo chân chính vẫn thao thức để chuyển mình thay đổi cùng nhịp thở thời đại công nghiệp 4.0. Phương pháp giảng dạy tích cực đang được áp dụng ở các trường, lấy người học làm trung tâm, thông qua hoạt động thảo luận nhóm, hoạt động thuyết trình, học sinh đặt các câu hỏi phản biện để làm sáng tỏ vấn đề, để đi đến sự thống nhất kiến thức bài học, dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Trứng khôn hơn vịt khi trứng kế thừa được nhiều đặc điểm tốt từ vịt! Người thầy cần đưa ra nhiều hơn một sự chọn lựa cho học sinh. Khi học sinh mắc lỗi thì người thầy cần đưa ra hướng gỡ bỏ khúc mắc, để người học có cơ hội sửa sai. Và nếu có đưa ra một hình thức xử phạt nào mang tính răn đe, thì thầy cô cần phải cân nhắc mức xử phạt đó có tương xứng với hành vi chưa, khả năng tái phạm của học sinh ra sao, và nếu các em vẫn vi phạm thì sẽ xử lý thế nào?
Phản biện là cần thiết nhưng phải ứng xử văn minh
Thầy trách phạt trò là câu chuyện muôn thuở. Nhưng sự việc bị đẩy đi xa khi thầy cô đưa ra hình thức xử phạt phản giáo dục, xúc phạm nhân phẩm, thân thể, tâm lý người học đến mức dư luận phải lên tiếng báo động. Vụ việc đáng chê trách gần đây khi cô giáo Thủy ở Quảng Bình yêu cầu các học sinh khác tát vào mặt nam sinh nói tục là tiếp tay cho bạo lực học đường. Hậu quả khôn lường hơn khi sau này chính các em học sinh sẽ dùng bạo lực để hành xử với nhau.
Xã hội cũng đặt ra cho ngành giáo dục cần hướng dẫn học sinh kỹ năng “thoát hiểm” trong những tình huống nghiêm trọng. Để dạy học sinh có tư duy phản biện trước tiên phải tháo bỏ thế độc quyền, áp đặt của “người trên lên kẻ dưới”. Trong khi chưa có sự thống nhất, chung tay từ phía gia đình, nhà trường, xã hội thì việc phản biện của trẻ dễ bị xem là phản kháng, dẫn đến gia tăng xung đột giữa giáo viên và học sinh, trong khi sự tinh nghịch, non nớt của học trò chỉ đứng sau “quỷ ma”. Nếu thầy cô cho học sinh đủ sự kính trọng, đủ sự tin tưởng thì dù thầy cô có nóng giận, có la mắng trách móc, hay vô ý làm tổn thương học sinh thì cũng dễ dàng được thông cảm. Bằng không dù một khuyết điểm nhỏ cũng đẩy thầy cô đứng trước bờ vực do chính mình khoét sâu từ trước.
Thầy cô cần thay đổi góc nhìn, để thấy khả năng phát triển của người học hơn là săm soi cái hạn chế. Nhiều thầy cô than trách học sinh hư, học sinh lười, cũng như áp lực công việc không có đủ thời gian để uốn nắn hết các em. Điều đó có thể không sai, nhưng chỉ cần thầy cô chăm sóc, hướng thiện cho một, hai em học sinh đang gặp khó khăn cũng đủ đem đến hạnh phúc để giữ chân thầy cô ở lại với nghề.
Tranh luận tốt hơn tranh cãi
Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau. Ai cũng sẽ đưa ra một lý do hợp lý để trình bày quan điểm của mình, dựa vào kinh nghiệm bản thân và theo mức độ nhận thức. Hiểu biết thì hữu hạn, kiến thức là chân lý nhưng không phải tuyệt đối. “Nhân vô thập toàn”. Tranh cãi là điều không cần thiết. Thầy cô hãy là người chuyển giao tri thức hơn là người ban phát kiến thức. Khi học sinh đặt câu hỏi dù chưa đúng, dù nằm ngoài bài học, hay một kiến thức chưa được kiểm chứng thì thầy cô bằng sự hiểu biết hãy nhẹ nhàng giải thích cho các em, hoặc cho các em thêm thời gian tra cứu, tìm hiểu. Hãy khuyến khích học sinh đặt câu hỏi: Làm sao tìm được công thức đó? Giải pháp này giúp ích cho lĩnh vực nào? Có thể cải tiến để có thể áp dụng rộng hơn không? Phản biện sẽ giúp học sinh tự tin trình bày quan điểm, đồng thời học cách thuyết phục người khác.
Ngành giáo dục lâu nay vẫn kiên quyết nói không với tiêu cực, nhưng chưa đem lại niềm tin với xã hội. Lãnh đạo không tiếp thu ý kiến của đội ngũ thầy cô, thì giáo viên cũng sẽ hành xử như vậy với chính học sinh của mình. Nhà trường cần lập thêm nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản hồi từ học sinh, phụ huynh, và cả kiến nghị của thầy cô để kịp thời điều chỉnh, giúp phụ huynh hiểu hơn các định hướng phát triển của nhà trường. Danh hiệu, thành tích chỉ có được khi học sinh đón nhận được sản phẩm giáo dục tốt nhất từ chính thầy cô được các em yêu quý.
Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, T.PHCM)
Bình luận (0)