Nhằm giúp học sinh lớp 12 có cách ôn thi THPT quốc gia 2019 hiệu quả, ở hai số trước chúng tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm làm bài phần đọc hiểu và viết đoạn văn ngắn. Trong số này, chúng tôi tiếp tục chia sẻ cách làm bài câu nghị luận văn học trên cơ sở đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh trong tiết học môn văn với bài Sóng của tác giả Xuân Quỳnh
Mặc dù theo ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT), đề tham khảo có giá trị ôn tập rất cao. Song nhiều học sinh sau khi đọc đề minh họa vẫn băn khoăn về kiến thức và cách yêu cầu, nhất là câu nghị luận văn học: Có hay không có sự tích hợp thêm với kiến thức lớp 10, 11? Và tích hợp như thế nào? Bởi vì trong đề thi minh họa, phần này chỉ có kiến thức chương trình lớp 12. Trong khi đó phương án thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó đã dùng từ “chủ yếu” ở kiến thức chương trình lớp 12 chứ không phải là “chỉ có”, có nghĩa là không loại bỏ hoàn toàn chương trình lớp 11, 10. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi đặc biệt chú ý đề thi minh họa và đưa thêm cách tích hợp để học sinh tham khảo.
Ôn tập sát đề thi minh họa
Cách yêu cầu của đề thi minh họa khá thoáng, đầy ngẫu hứng theo lối chấm phá, từ một vài “lát cắt” của truyện (“hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt” trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân) nhưng học sinh phải nắm thật vững tác phẩm thì mới làm bài được. Mặc dù đề chỉ còn chương trình lớp 12, nhưng với cách yêu cầu như thế thì không phải là dạng đề dễ làm bài, nếu học sinh không có kỹ năng xây dựng một dàn bài thật hợp lý.
Điểm cần thấy ở đây nữa là, dù đề thi hướng đến mục đích xét tốt nghiệp là chính, song không loại bỏ hoàn toàn mục đích phân loại để xét tuyển sinh. Cho nên trong cách hỏi phần này cũng có nhiều vế yêu cầu từ đơn giản đến khó hơn. Chẳng hạn trong đề minh họa, vế đầu là: “Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên”. Và vế sau là “từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này”. Vế đầu câu hỏi vừa sức cho học sinh ở mức học trung bình. Vế sau đánh giá học sinh có lực học và kỹ năng tốt hơn… Tương tự về thể loại truyện ngắn mà đề minh họa đã cho, các thể loại khác của tác phẩm có trong chương trình 12, như: thơ, bút ký, tùy bút, kịch và văn chính luận đều có thể đưa vào đề thi theo cấu tạo như trên. Nói chung đề thi sẽ vô cùng linh hoạt, phong phú. Cốt yếu là học sinh phải đọc kỹ văn bản; nắm chắc, hiểu rõ, hiểu sâu và có kỹ năng làm bài thật tốt.
Lưu ý về tích hợp giữa lớp 12 và 10, 11
Dù đề thi hướng đến mục đích xét tốt nghiệp là chính, song không loại bỏ hoàn toàn mục đích phân loại để xét tuyển sinh. |
Thông thường thì các dạng tích hợp theo nhóm thể loại văn bản, như giữa thơ và thơ, văn xuôi và văn xuôi, kịch và kịch, nghị luận và nghị luận. Theo cấu trúc đề thi, kiến thức lớp 12 là yêu cầu cơ bản nên nằm ở vế đầu của câu hỏi, vế sau là chương trình lớp 10 hoặc/và 11. Nội dung tích hợp trong đề thi là vô cùng phong phú. Chẳng hạn về thơ, có các cách tích hợp kiểu như: Thiên nhiên và con người giữa lớp 12 các bài Tây Tiến (Quang Dũng)/Việt Bắc (Tố Hữu) với lớp 11 các bài Tràng giang (Huy Cận)/Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Thu điếu (Nguyễn Khuyến); hoặc/và với lớp 10 Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi). Như quan niệm về tình yêu, mùa xuân, tuổi trẻ giữa lớp 12 Sóng (Xuân Quỳnh) với lớp 11 Vội vàng (Xuân Diệu); hoặc/và lớp 10 đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều – Nguyễn Du)…
Theo đề chính thức và minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm trước, cách tích hợp theo kiểu liên hệ, mở rộng. Nghĩa là đề cho một khía cạnh của lớp 12 (vế đầu của câu hỏi), sau đó liên hệ với một khía cạnh lớp 11, 10 (vế sau của câu hỏi). Câu hỏi của đề tích hợp thường theo cấu trúc: “Từ A (lớp 12)…, liên hệ với B (lớp 11/10)… để làm rõ C. Ví dụ: Phân tích nghệ thuật lập luận của Hồ Chí Minh trong phần đầu (cơ sở pháp lý) của bản Tuyên ngôn độc lập (A). Từ đó liên hệ với phần thứ nhất (luận đề chính nghĩa) của Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi (B) để thấy được điểm gặp gỡ chung và những nét riêng biệt về nghệ thuật lập luận của hai tác giả (C).
Gợi ý cách làm bài theo trình tự sau: Giới thiệu A – Phân tích A – Giới thiệu B và phân tích B – Làm rõ C qua việc so sánh điểm giống và khác nhau giữa A và B – Kết luận về ý nghĩa/tác dụng của việc liên hệ, mở rộng, so sánh giữa A và B.
Cần chú ý là, trong chương trình lớp 10 và 11, phần văn học trung đại Việt Nam khá rộng. Cho nên các em học sinh chỉ nên lưu ý những tác giả, tác phẩm thật sự tiêu biểu.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)