Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh 2019: Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh khi xét tuyển bằng học bạ

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội nghị trực tuyến diễn ra ở đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật Giáo dục ĐH sửa đổi hôm qua (17.7), một số đại biểu bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Các đại biểu trình bày ý kiến trong hội nghị tại đầu cầu TP.HCM /// ĐĂNG NGUYÊN
Các đại biểu trình bày ý kiến trong hội nghị tại đầu cầu TP.HCM. ĐĂNG NGUYÊN
Tại đầu cầu Hà Nội, một số đại biểu đưa ra lo ngại liên quan tới chất lượng xét tuyển.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc xét tuyển theo nhóm thể hiện quyền tự chủ của các trường, lại tạo được mạng lưới hợp tác liên kết, tạo nên sức mạnh chung. Nhưng trong thời gian tới, nếu có các hình thức tổ chức tuyển sinh khác nhau thì việc các trường liên kết để lọc ảo tốt, đảm bảo các thí sinh (TS) vẫn được đăng ký nhiều nguyện vọng.
Trường tốp trên ít dùng vì không tin vào… học bạ
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh trong xét tuyển, mà liên quan tới việc xét tuyển bằng học bạ.
PGS Sơn phản ánh: “Vừa rồi chúng tôi thấy có khá nhiều trường xét tuyển học bạ nhưng lại yêu cầu TS xác nhận trúng tuyển trước khi chúng ta xét tuyển chung một ngày (vào đầu tháng 8). Như vậy là có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Nhiều em đứng trước sự lựa chọn: xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay là lấy kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào chương trình hoặc trường theo nguyện vọng của các em đó. Nếu chúng ta yêu cầu các em phải xác nhận nhập học sớm là đã tước đi quyền của TS trong đợt xét tuyển chung, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường khác”.
Liên quan tới việc xét tuyển bằng học bạ, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét chính sách xét tuyển học bạ “tưởng như là xu hướng tiến bộ” vì thuận theo thông lệ thế giới. Tuy nhiên, thực tế ở ta các trường tốp trên ít dùng phương thức này, lý do là không tin vào kết quả học bạ.
“Vì thế cần có thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT năm nay xem có tương ứng, ví dụ nếu theo học bạ thì 90% là khá giỏi, nhưng kết quả thi THPT quốc gia có đạt được 90% khá giỏi hay không? Đó sẽ là chỉ số rất tốt để Bộ GD-ĐT cũng như các cơ sở đào tạo xem xét lại chính sách xét tuyển học bạ, làm cho việc xét học bạ ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn”, GS Nguyễn Đình Đức đề xuất.
Đề xuất chính sách hỗ trợ ngành khó tuyển sinh
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, về việc xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cần làm đầu mối, cùng với các bộ ngành khác, để xác định chỉ tiêu mang tính chất hệ thống, có cơ sở khoa học.
“Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp hiện còn khá cao, nếu cứ tính trên dân, như ngành y tế chúng tôi, thì sẽ luôn luôn thấy nguồn nhân lực còn thiếu. Ví dụ, nhiều trường, khi mở mã ngành điều dưỡng, lấy số liệu tỷ lệ điều dưỡng/người dân làm căn cứ để đào tạo, bởi nếu căn cứ vào con số đó thì dường như bao nhiêu trường mở mã ngành đó cũng được, đào tạo bao nhiêu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực. Nhưng thực tế, có tỉnh hằng năm đào tạo ra vài nghìn điều dưỡng nhưng chỉ vài người được tuyển”, ông Tú cho biết.
Về vấn đề này, TS Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cũng có ý kiến: “Đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu thực tế, Bộ và địa phương đã phối hợp để thống kê số liệu giáo viên sẽ thiếu để căn cứ vào đó xác định chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Nhưng vì các tỉnh chỉ thống kê số lượng giáo viên đã, đang, và sẽ thiếu mà không thống kê cụ thể giáo viên từng môn. Có những tỉnh, Sở GD-ĐT cũng không có quyền nhận giáo viên, mà phụ thuộc vào Sở Nội vụ”.
Một số đại biểu còn đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem xét để có chính sách hỗ trợ về tuyển sinh cho một số ngành. GS Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp VN, cho rằng khối ngành nông lâm ngư là khối ngành mà xã hội rất cần, đất nước rất cần, nhưng TS không mặn mà. Để giải quyết, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo các ngành này.
GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng nói: “Tình hình đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội nhìn chung khá tốt, nhưng các ngành cơ bản đứng trước nguy cơ khó khăn tuyển sinh, vì thế rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước”.
Đề nghị xem lại việc phạt các trường gọi cao hơn chỉ tiêu
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng Bộ nên xem lại chuyện phạt các trường tuyển vượt chỉ tiêu.
Năm trước, các trường tuyển vượt chỉ tiêu bị phạt đa số là các trường hàng đầu (Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội…). “Tại sao không thưởng các trường này mà lại phạt?! Vì có nhiều trường gọi nhập học 1.000 TS nhưng không đến 100 TS vào học”, ông Dũng đặt vấn đề. Ông Dũng cũng cho biết nếu TS nhập học thiếu thì không đủ "nuôi quân", nhập học dư thì bị phạt.
Chia sẻ về băn khoăn của nhiều đại biểu trong vấn đề thí sinh ảo, nguyện vọng ảo dẫn đến việc nhiều trường buộc phải gọi quá chỉ tiêu tuyển sinh dẫn đến bị phạt, Thứ trưởng Lê Hải An cho rằng những lo lắng ấy là câu chuyện trước đây. Thực tế, hiện nay vấn đề đó đã giảm gần như triệt để, khi Bộ GD-ĐT đã có các nhóm xét tuyển tự động lọc ảo trước, công tác xét tuyển hiện tại khá nhẹ nhàng, công khai và minh bạch.
Đăng Nguyên

Theo Quý Hiên/TNO

 

 

Bình luận (0)