Cha mất sớm, một mình mẹ bươn chải gồng gánh để nuôi 7 người con được ăn học nên người, từ nhỏ chàng trai Lê Đức Ánh đã thiếu những giây phút yêu thương trọn vẹn. Lớn lên với niềm đam mê sư phạm, ông luôn tâm niệm phải làm sao để học sinh của mình được sống trong môi trường đầy đủ yêu thương, được phát triển theo đúng năng khiếu, trở thành chính mình trong tương lai… như trước đây mình từng mơ ước.
Với những cống hiến trong ngành GD-ĐT năm 2016, thầy Lê Đức Ánh vinh dự nhận Bằng khen Chính phủ
Trưởng thành từ sự hy sinh của mẹ
Ở độ tuổi 68, thầy giáo Lê Đức Ánh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Quốc tế TIS vẫn miệt mài với những ấp ủ trăn trở về giáo dục của cuộc đời mình, vẫn nỗ lực dành tất cả những tâm huyết cho từng học trò trên con đường đi đến tương lai. Thầy hồi ức, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ đã lớn lên trong sự khó khăn, thiếu thốn. Cha mất sớm khi 7 anh chị em vẫn còn bé dại, một mình mẹ phải bươn chải buôn thúng bán bưng chèo chống cả gia đình. “Làng quê nghèo nàn những năm đó hầu hết chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, không chú trọng cho con đi học, còn mẹ của tôi là một người hiếm hoi. Thương các con, mẹ tôi hy sinh một cách thầm lặng bằng việc quần quật lao động, cả 7 người con đều được cho ăn học thành người”.
Đam mê nghề sư phạm từ nhỏ, ngày thi đỗ vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Vinh (tỉnh Nghệ An) là một động lực rất lớn để chàng trai trẻ lúc bấy giờ tiếp tục nỗ lực. “Sau tốt nghiệp, tôi trở về Trường cấp 3 Đồng Lộc (quê nhà Hà Tĩnh) nhận công tác. Không lâu sau tôi may mắn được nhận nhiệm vụ tại Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (thị xã Hà Tĩnh), là trường cũ với nhiều kỷ niệm thầy cô bạn bè” – thầy Ánh nhớ lại. Suốt nhiều năm liền phụ trách ở lĩnh vực Đoàn trường, Trưởng ban Văn nghệ, trong quá trình đất nước với những sự đổi mới thầy Ánh đã tự hào chứng kiến nhiều lớp học trò đã khẳng định được chính mình. Cho đến nay nhiều học sinh của thầy hiện đang giữ những trọng trách cao trong hệ thống chính trị, hệ thống ngành GD-ĐT…
Năm 1992, thầy Ánh quyết bươn chải vào Sài Gòn. “Sau khi vào Sài Gòn, tôi làm việc ở Trung tâm Tâm lý Giáo dục phía Nam; là thành viên trong Ban Chấp hành Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Trong thời gian đó tôi hoàn thành luận án tiến sĩ giáo dục học” – thầy Ánh chia sẻ.
Ngoài ra lúc bấy giờ thầy là ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Nhân lực Nhân tài Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa phía Nam… Năm 1999 Trường Phổ thông Quốc tế TIS mang sứ mệnh là đào tạo để mỗi học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về đức, trí, thể mỹ với trình độ quốc tế và những nét đẹp truyền thống người Việt Nam được chính thức thành lập sau nhiều năm “thai nghén”, ấp ủ. Ở cương vị là nhà sáng lập, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Ánh mỉm cười hồn hậu: “Tôi luôn quan niệm con người được sinh ra bởi yêu thương. Từ nhỏ cha mất sớm, tôi trưởng thành từ sự hy sinh quần quật lao động của mẹ. Nhiều khoảnh khắc tình yêu thương của mẹ không có điều kiện được chia sẻ. Hiểu được điều đó, tôi luôn mong muốn rằng tất cả những đứa trẻ đều được sống trong môi trường đủ đầy tình yêu từ gia đình, thầy cô…, được phát hiện năng khiếu và phát triển theo năng khiếu của chính nó… Đó mới là hạnh phúc thật sự”.
Những chuyến đò chở yêu thương
Khác với những phương pháp giáo dục hiện tại, thầy Ánh luôn băn khoăn, trăn trở làm sao xây dựng được một môi trường giáo dục nâng cao chất lượng, theo sát và chăm sóc tốt nhất cho từng học sinh. Thầy Ánh tâm tư: “Tình yêu thương của cha mẹ đều bao la dành hết cho các con nhưng không phải tình yêu đó lúc nào cũng công bằng. Có một câu chuyện rằng, một người mẹ có 2 người con trai, một người con tài giỏi, hiếu thảo, người con còn lại sa ngã từ sớm rơi vào con đường nghiện ngập, tù tội. Người mẹ này kể “đứa khôn thương ít, đứa dại thương nhiều”, bà đã dành cho đứa con trong tù nhiều tình yêu hơn, dù lúc nào nó cũng khiến cho bà đau đớn. TIS cũng vậy, tôi luôn tâm niệm giáo dục phải bắt đầu từ yêu thương, đặc biệt phải giống như tình yêu của người mẹ dành cho con”.
Thầy Ánh chia sẻ: “Tôi luôn nhấn mạnh với các thầy cô, nhân viên tại trường của mình phải yêu thương học sinh vô điều kiện, như yêu thương chính con ruột, giáo dục những đứa trẻ cần đến mình chứ không chỉ những đứa trẻ mang lại lợi ích cho mình. Bên cạnh đó, là phát hiện tài năng, giúp học sinh được là chính mình, như những gì mà mình mơ ước chứ không là bản sao của người khác. |
Thầy Ánh chia sẻ thêm: “Tôi luôn nhấn mạnh với các thầy cô, nhân viên tại trường của mình phải yêu thương học sinh vô điều kiện, như yêu thương chính con ruột, giáo dục những đứa trẻ cần đến mình chứ không chỉ những đứa trẻ mang lại lợi ích cho mình. Bên cạnh đó, là phát hiện tài năng, giúp học sinh được là chính mình, như những gì mà mình mơ ước chứ không là bản sao của người khác. Điều đó, phương pháp giáo dục cá thể hóa có thể đảm nhiệm được rất tốt với 2,5 học sinh/ giáo viên, nhân viên. Các giáo viên có thể trò chuyện, dạy dỗ, làm người mẹ, người bạn cùng các em đương đầu với những khó khăn, thử thách của cuộc sống cũng như những thành công ở bậc cao hơn, nhưng bên cạnh các em vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc”.
Với những quan điểm giáo dục mới mẻ của mình, từ những ngày đầu thành lập với vô vàn khó khăn về cơ sở, nhân lực, cho đến nay thầy Ánh đã đưa nhà trường dần hoàn thiện, từng bước đưa đò nhiều lớp học trò cập bến tương lai. Nhiều cựu học sinh của thầy hiện là những sinh viên giỏi tại các trường đại học danh tiếng ở trong nước và nước ngoài, nhiều người đạt những thành tựu cao trong các lĩnh vực ngành nghề mà mình đam mê. Với những nỗ lực trong sự nghiệp GD-ĐT, năm 2009 thầy Lê Đức Ánh đã vinh dự được trao tặng Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT; năm 2016 được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều năm liền được UBND TP.HCM tặng Bằng khen. Không chỉ vậy, thầy còn là Chủ tịch Quỹ Học bổng Nguyễn Hữu Cảnh, đã hỗ trợ hàng trăm học sinh có cơ hội vượt lên khó khăn, tiếp tục học tập.
Hoài Thương
Bình luận (0)