Trường TH Nguyễn Thái Học (Q.1) là đơn vị trường TH đầu tiên trên địa bàn Q.1 thực hiện mô hình tiên tiến theo xu hướng hội nhập và quốc tế từ năm học 2016-2017. Với kỳ vọng đào tạo ra thế hệ HS Việt Nam với chất lượng quốc tế, hội nhập trong thế kỷ 21, nhiều năm qua, nhà trường đã chú trọng đào tạo kỹ năng và ngoại ngữ cho HS.
Cô Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Chi tặng quà cho học sinh lớp 1 năm học 2019-2020
Một trong những yêu cầu của mô hình trường tiên tiến hiện đại là đòi hỏi khắt khe chất lượng HS đạt chuẩn tiếng Anh. Để tiến tới chất lượng này, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung, linh hoạt trong triển khai những mô hình dạy và học tiếng Anh đến với HS. Trong đó, “Học tiếng Anh theo hình thức CLB” là mô hình nổi bật nhất được nhà trường xây dựng trong năm học 2018-2019. Mô hình trên được áp dụng từ khối lớp 3, 4, 5. Theo đó, cuối năm học, HS khối lớp 2 sẽ tham gia một kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phù hợp với lứa tuổi lớp 2. Căn cứ vào kết quả đạt được, nhà trường sẽ tổ chức dạy các tiết tăng cường tiếng Anh dưới hình thức CLB, không phải theo lớp để phù hợp với năng lực của từng HS. “Mô hình CLB cho phép phát huy tối đa phương pháp giáo dục cá thể hóa. Mô hình này tạo ra sự mới mẻ, thích thú cho HS khi các em vừa có thêm bạn bè, vừa được học tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, phù hợp mà lại không tạo ra tâm lý xáo trộn trong các em”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Học sinh tham gia vào CLB Đầu bếp nhí
Bên cạnh đó, với đặc thù là trường thực hiện đề án trường tiên tiến, hội nhập từ năm học 2016-2017, trong yêu cầu chuẩn đầu ra của trường quy định tối thiểu 50% HS học hết lớp 5 phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (bậc tiểu học). Từ yêu cầu này, việc dạy và học tiếng Anh tại trường luôn được quan tâm, đẩy mạnh. “Nhà trường luôn tạo điều kiện để bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh bằng hình thức chuyên đề, STEM, dạy học dự án, dạy học theo hình thức ngày hội trong môn tiếng Anh cũng như đẩy mạnh hoạt động Open house trong môn học tiếng Anh – phụ huynh cùng đồng hành, góp ý với giáo viên trong môn học, hiểu hơn về chương trình giảng dạy ở các lớp tiếng Anh. Từ chính những sáng tạo này đã kích thích sự say mê, thích thú của HS, qua đó nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh một cách rõ rệt. Trong suốt 3 năm thực hiện đề án trường tiên tiến, hội nhập, trường luôn đạt vượt ngưỡng yêu cầu, tối thiểu là 70% HS lớp 5 đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”, cô Chi cho hay. Cạnh những mô hình, những đổi mới trên, để tiếng Anh trở thành điểm nổi bật nhất trong chất lượng dạy và học của trường thì còn phải kể đến môi trường học tập, rèn luyện của HS ở bộ môn này. Theo đó, HS sẽ được học ít nhất 2 tiết/tuần với giáo viên nước ngoài, hình thành nên vốn từ cùng các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết.
Học sinh nhà trường tiếp cận với khoa học vui
Một điểm khác biệt nữa trong chất lượng giảng dạy của trường đó là nhà trường luôn chú trọng đến việc trang bị tin học quốc tế cho HS. Với phương châm “vừa học, vừa chơi”, HS được tiếp cận với kiến thức tin học qua giáo trình Tin học tiểu học quốc tế, kích thích sự say mê tìm hiểu cho HS qua từng tiết học. Đặc biệt, ngay từ khối lớp 1, HS đã được tiếp xúc với Lego trong giờ toán với Học toán cùng Lego, trang bị cho HS tư duy, kỹ năng diễn đạt và phát triển ngôn ngữ. Qua đó, các tiết học toán trở nên bớt nhàm chán, đầy linh hoạt.
Học sinh thực hiện những thí nghiệm khoa học vui trong giờ học
Điều làm nên “thương hiệu” Trường TH Nguyễn Thái Học còn phải kể đến những hoạt động phát triển kỹ năng sống cho HS thông qua hình thức các CLB được nhà trường linh hoạt sắp xếp trong thời khóa biểu buổi 2. Đó là CLB Kỹ năng sống – Khoa học vui ở khối lớp 4 với thời lượng 1 tuần/tiết. Tham gia vào CLB này, HS sẽ được học kỹ năng sống từ chính những thí nghiệm khoa học; Ở khối lớp 3, CLB Đầu bếp nhí lại giáo dục cho HS những kỹ năng sống cơ bản về chăm sóc gia đình, kỹ năng sử dụng đồng tiền, kỹ năng tính toán, giao tiếp nơi công cộng, trân trọng giá trị sức lao động thông qua kế hoạch làm ra một món ăn; Ở khối lớp 1, lớp 2, HS lại được trang bị những kỹ năng sống đơn giản như kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng thích ứng với môi trường… hình thành nên sự tự tin và khả năng thích ứng cao ở trẻ. Cạnh đó, HS nhà trường còn được tiếp cận với các bộ môn năng khiếu dựa trên sự yêu thích của HS thông qua các CLB. Theo cô Đỗ Ngọc Chi, nhà trường không kỳ vọng đào tạo ra những vận động viên chuyên nghiệp, những vũ công chuyên nghiệp mà mục tiêu là rèn luyện thân thể, nâng cao thể chất, từ đó phát triển năng lực và đam mê của HS, hình thành cho HS những kỹ năng, tư duy của thế kỷ 21, là “nơi khởi nguồn của tương lai”.
Yên Đỗ
Bình luận (0)