Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lo lãng phí thiết bị dạy học khi đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông kèm theo nhiều mục kinh phí mới. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không lãng phí khi mua sắm trang thiết bị dạy học mới, như việc đã gặp trong những đề án giáo dục gần đây.

Thiết bị dạy học hiện đại nhưng vẫn "đắp chiếu" là cảnh tượng không hiếm gặp ở các trường phổ thông hiện nay. Ảnh: T. Nguyễn

Bài học lãng phí tiền tỉ

Khi đổi mới chương trình – sách giáo khoa (SGK) năm 2001, dư luận và báo chí đã nói về việc lãng phí khi mua sắm trang thiết bị dạy học (TBDH), do việc sử dụng sau đó không hiệu quả, mua mà không dùng, hoặc không dùng được vì thiết bị kém chất lượng. Thực tế cho thấy, việc lãng phí TBDH xảy ra phổ biến do các giờ thực hành, thí nghiệm quá ít (chương trình phổ thông một năm chỉ có 5 – 7 giờ thực hành, thí nghiệm ở các bộ môn sinh, hóa, lý). Nhiều giáo viên cũng phản ánh TBDH chất lượng kém, thậm chí cho kết quả thí nghiệm sai, hoặc dùng vài lần đã hỏng… Vì vậy, dù đầu tư hàng tỉ đồng, nhưng nhiều trường đã phải “đắp chiếu” TBDH trong kho, không dùng đến.
Với Đề án dạy học ngoại ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân ở giai đoạn đầu, kinh phí hàng nghìn tỉ đồng phân bổ cho các địa phương chủ yếu được mua sắm thiết bị, trong đó nhiều thiết bị đắt tiền nhưng không hiệu quả. Có nơi đầu tư cả phòng multimedia rồi để đó, hoặc đầu tư máy móc, thiết bị nhưng không hỏi ý kiến giáo viên giảng dạy, khi mua xong thì không sử dụng được. Có cơ sở đào tạo được cấp 2 tỉ đồng cho nhiều hạng mục, trong đó có bồi dưỡng giáo viên thì dành 1,4 – 1,5 tỉ đồng cho TBDH… đến khi triển khai thấy giáo viên chưa đạt chuẩn thì đã hết tiền, dẫn tới thiết bị không có người đủ năng lực sử dụng.
Khi đó, Bộ GD-ĐT đã phải ra công văn chấn chỉnh tình trạng sử dụng ngân sách lãng phí, trong đó nêu rõ những địa phương, cơ sở đào tạo mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có; mua thiết bị công nghệ thông tin mà không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết tính năng…

Thiết bị theo SGK hay theo chương trình ?

Chương trình giáo dục phổ thông mới với một số môn học mới như tin học, ngoại ngữ (bắt buộc ở tiểu học); mỹ thuật, âm nhạc (THPT), đặc biệt là hoạt động trải nghiệm sáng tạo từ lớp 1 đến lớp 12. Riêng với lớp 1, lãnh đạo một trường tiểu học cho hay tính chi phí thiết bị tối thiểu (theo danh mục mà Bộ GD-ĐT đã ban hành) khoảng 120 triệu đồng/lớp. Khác với chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ sách, chương trình mới sắp tới có nhiều bộ SGK, đặt ra vấn đề thiết bị khó tương thích với tất cả bộ sách; thiết bị hiện có tương thích SGK mới, hay phải mua mới…
Trước hàng loạt vấn đề đặt ra, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD- ĐT, cho rằng danh mục thiết bị tối thiểu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở chương trình môn học chứ không phải theo cuốn hay bộ SGK nào.
“Với chương trình hiện hành, thiết bị căn cứ trên SGK vì chỉ có 1 bộ, còn chương trình mới, nhiều SGK nên thiết bị phải theo chương trình môn học, không phải làm theo SGK”, ông Hùng Anh khẳng định.

Tận dụng thiết bị sẵn có

Đề cập đến việc lãng phí, không sử dụng hết công năng của các TBDH đối với chương trình hiện hành, ông Phạm Hùng Anh thừa nhận trước đây Bộ chỉ quy định mục đích sử dụng của sản phẩm thiết bị không quy định chất lượng nên ví dụ với những thẻ số, thẻ chữ ở tiểu học nhiều công ty in chất liệu bìa giấy, học sinh học một hai buổi là hỏng. Trong khi đó, kinh phí do nhà nước chi, năm nào cũng phải bỏ tiền ra mua nên có hiện tượng lãng phí.
Lần này, Bộ yêu cầu cụ thể loại vật liệu vừa bền vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Về quy trình sử dụng thiết bị, theo ông Hùng Anh, chương trình hiện hành, thiết bị thiết kế theo SGK, SGK lại thiết kế theo từng tiết học. Tuy nhiên, trong 45 phút/tiết học, giáo viên vừa dạy lý thuyết vừa sử dụng thiết bị thì không bao giờ đủ thời gian. Vì vậy, đưa thiết bị vào sử dụng rất hạn chế. Chương trình mới được thiết kế bằng tổng số tiết cho mỗi môn học, không quy định mỗi tiết phải dạy nội dung gì mà thiết kế theo chủ đề dạy học.
Ông Hùng Anh cũng khẳng định: Bộ chỉ đạo sẽ tận dụng những thiết bị đã có và chỉ mua bổ sung cái còn thiếu, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong ứng dụng dạy học, khuyến khích giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng dạy học, nhất là giáo viên mầm non, lớp 1, lớp 2. Do vậy, ông Hùng Anh cho rằng các sở GD-ĐT sẽ không mua mới 100% số lượng thiết bị tối thiểu theo yêu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “TBDH cần hiện đại nhưng không quan trọng bằng việc sử dụng thiết bị ấy có theo cách hiện đại hay không, nghĩa là có sử dụng TBDH để đánh giá năng lực của người học hay chỉ làm một cách máy móc”. Cũng theo ông Thành, việc đổi mới không lệ thuộc vào tài liệu dạy học là SGK hay thiết bị mà phụ thuộc vào giáo viên.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có tốn tiền ?

Ngay trong các đợt tập huấn giáo viên cốt cán đang diễn ra ở các địa phương về chương trình mới, không ít giáo viên có chung một băn khoăn: Hoạt động trải nghiệm như cách mà các trường đang tiến hành hiện nay tốn khá nhiều kinh phí khi phải đưa học sinh đi tham quan, học tập ở các khu di tích hoặc du lịch sinh thái… Sắp tới khi hoạt động này trở thành bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 thì kinh phí lấy ở đâu ra, cần đầu tư những điều kiện gì để thực hiện…?

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)