“Khi giấc mơ phải đủ lớn, đủ năng lực thực hiện giấc mơ đó thì việc bỏ học hay không cũng chẳng còn là vấn đề lớn đối với khởi nghiệp nữa”.
Đại diện các doanh nghiệp trả lời thắc mắc của sinh viên xoay quanh vấn đề khởi nghiệp
Ông Nguyễn Hoài Thi (Chủ tịch HĐQT Việt An Group) đã trả lời như trên cho câu hỏi do nhiều sinh viên đặt ra về việc “có nên bỏ học để khởi nghiệp” tại tọa đàm “Khi nào người trẻ khởi nghiệp” do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức.
Theo ông Thi, khi nào các bạn trẻ cảm thấy tự tin, có đủ đam mê với công việc thì hãy khởi nghiệp. Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công hoặc thành công ngay, do vậy các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ để khởi nghiệp vào thời điểm phù hợp. Không nên quá vội, cũng không nên chạy theo phong trào…
Ông Thi dẫn ra ví dụ, các bạn trẻ đừng thấy người người nhà nhà mở chuỗi cà phê mang đi “take away” thì cũng làm theo. Thay vào đó, các em nên tập trung cao độ học những môn yêu thích, đạt điểm cao những môn đó, đây sẽ là tiền đề cho công việc sau này. Bởi hai năm đầu sau khi ra trường để bước vào đời là thời điểm vàng để sinh viên trải nghiệm, xác định bản thân thông qua tìm kiếm, tiếp cận các cơ hội làm việc. Các bạn trẻ cần tận dụng tối đa 2 năm này để phát hiện bản thân mình có khả năng gì nhất, giỏi gì nhất. “Nên kiên trì ứng tuyển hồ sơ vào những công ty phù hợp lĩnh vực mình đã học, để xem thử cá nhân mình có thực sự giỏi nhất cái “món” đã học đó ở trong công ty trúng tuyển không. Các bạn có thể làm nhiều công việc liên quan đến ngành nghề mình được đào tạo, rồi “chốt” lại lĩnh vực mình làm tốt nhất hoặc giỏi nhì trong 2 năm đầu đó” – ông Thi chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp khác cũng chỉ ra, ở chương trình thực tập sinh, doanh nghiệp này thường tạo điều kiện cho ứng viên được thực tập lần lượt ở tất cả các phòng ban để qua đó phát hiện lĩnh vực công việc thế mạnh của bản thân. Thế nhưng thực tế, một số ứng viên từ chối cơ hội đó với lý do cần một… vị trí ổn định. Đó là một sự lãng phí lớn. Các bạn trẻ nên biết tận dụng cơ hội này.
Một sinh viên tiếp tục đặt câu hỏi, ngoài môi trường ĐH, các em có thể tìm môi trường nào để phát hiện và phát triển ước mơ khởi nghiệp? Ông Thi cho rằng, môi trường mà các em tìm thực ra không quá xa xôi, có thể đăng ký tham gia một số kỳ thi ngay ở giảng đường, đặt kỳ vọng cao nhưng cũng cần biết chấp nhận không đoạt giải, hãy dám… thua. Vì khi thua sẽ phát hiện ra nhiều thứ quan trọng không kém, biết cách bù đắp cho bản thân những lỗ hổng gì, biết cách xác định phương hướng. “Đôi khi sinh viên cần xung phong làm trưởng nhóm thực hiện dự án nhỏ, hay cuộc thi nào đó để có trải nghiệm về làm việc nhóm, về dẫn dắt. Đặc biệt, khi chơi, làm việc với những người thành công cũng có thể giúp bạn trẻ học hỏi, “sản sinh” ra những ước mơ” – ông Thi nhấn mạnh.
“Các sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường cần tập trung nghiên cứu thật sâu lĩnh vực ngành nghề mình đang theo đuổi; quan sát tìm hiểu thêm về xung quanh mình và ước mơ nội tại của bản thân, xem lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp có ai làm chưa rồi tập tành làm. Nếu làm quy mô nhỏ, cũng không quá khó, nhưng làm lớn thì cần quan sát, học hỏi, để ý tới tất cả những hướng xung quanh có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực các em khởi nghiệp” – ông Nguyễn Hoài Thi chia sẻ. |
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Sơn (Giám đốc Công ty CP hạt điều Gia Bảo) cho rằng, giới trẻ được quyền… thất bại và bắt buộc phải dấn thân nhưng đồng thời cũng cần học cách đón đầu những sóng gió khi khởi nghiệp. Ngay cả lĩnh vực ông đang làm hiện cũng đang gặp những bất lợi, trước đây cũng từng trải qua những lần thất bại liên tục. Điều quan trọng là nếu biết cách xác định trước tâm thế đón nhận một cách nhẹ nhàng thì sẽ tìm được hướng giải quyết.
“Điều quan trọng là khi người trẻ có trách nhiệm, các em sẽ tự hoạch định được bản thân phải làm điều này, điều nọ. Bởi trước khi xây dựng được lĩnh vực khởi nghiệp, bạn trẻ đã phải xây dựng được bản thân mình trước” – đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.
Mê Tâm
Bình luận (0)